Hà Nội xây nhiều khách sạn cao cấp trên đất “vàng”
Trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ xây thêm 20.000 phòng lưu trú, tương đương 20 khách sạn cao cấp tại các vị trí đắc địa trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, chung cư cao cấp cũng được chuyển đổi thành khách sạn ở vị trí “đất vàng”.
Khu đất “vàng” số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng sẽ trở thành khách sạn 5 sao.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, thời gian tới, thành phố sẽ có một số hoạt động để thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các khách sạn cao cấp ở các khu trung tâm của thành phố.
Cụ thể, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong 5 năm tới thành phố sẽ xây thêm 20.000 phòng lưu trú, tương đương 20 khách sạn cao cấp. Các địa điểm dự kiến xây dựng khách sạn tại khu vực quận Hoàn Kiếm như: 22-32 Lý Thái Tổ; 22-24 Hàng Bài; 39 Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng khách sạn tại số 1 Bà Triệu; cải tạo lại khách sạn Hòa Bình.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ xây khách sạn quy mô trên 300 phòng tại khu vực đầu phố Thái Hà (quận Đống Đa); khách sạn 500 phòng tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); khách sạn hơn 300 phòng tại Thụy Khuê (quận Ba Đình); khách sạn 600 phòng (huyện Đông Anh)... “Thành phố rất khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án khách sạn cao cấp, bởi hiện tại thành phố đang thiếu khoảng 20.000 phòng nghỉ khách sạn. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Hà Nội”, vị lãnh đạo cho biết.
Khách sạn 5 sao thế chỗ các khu đất “vàng”
Trong danh sách dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, có nhiều khu đất “vàng” nằm ở vị trí đắc địa. Thậm chí, một số dự án tổ hợp văn phòng, chung cư cao cấp cũng được chuyển đổi thành dự án khách sạn cao cấp trong tương lai.
Đơn cử, dự án tại khu đất “vàng” số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng của doanh nghiệp Tân Hoàng Minh với diện tích trên 4.000 m2. Đây là khu đất dự kiến xây khu trung tâm thương mại văn phòng và căn hộ cao cấp nhưng bị đắp chiếu nhiều năm nay để đợi thành phố cho phép xây nhà cao tầng nay cũng sẽ thành dự án khách sạn 5 sao.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc cho biết, trước đó chủ đầu tư dự án này xin xây công trình hỗn hợp 12 tầng, nhưng thành phố kiên quyết không chấp thuận. Và mới đây nhất, chủ đầu tư đã có văn bản đồng ý xây theo phương án cũ đã được phê duyệt là 8 tầng và sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao chứ không phải là khu căn hộ cao cấp.
Đối với dự án khách sạn 5 sao nằm sát Hồ Gươm tại số 22-32 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc cho biết, hiện vẫn trong giai đoạn xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trong đó khu đất lập dự án có liên quan đến 2 biệt thự cũ xếp nhóm 2 theo danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội”.
Theo cơ quan chức năng thành phố, nhiều chủ đầu tư dự án khách sạn cao cấp nằm ở các vị trí đất “vàng” đang bị hối thúc nhằm triển khai xây dựng đúng tiến độ đã được phê duyệt. Tại khu đất “vàng” hơn 3.500m2 đất ở phố Trần Quang Khải và số 17 phố Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm), theo quyết định trước đây là dự án đầu tư xây dựng tòa nhà làm việc và văn phòng cho thuê hạng A, nay thành dự án khách sạn cao cấp mang tên Park Hyatt Hà Nội. Park Hyatt được thiết kế 4 tầng hầm, 18 tầng nổi.
Một dự án khách sạn 5 sao trên đất “vàng” hiện đang được thực hiện nữa là tại số 146 Giảng Võ (quận Ba Đình). Dự án này nằm ngay cạnh Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (cũ) đang được phá dỡ để xây dựng thành khu hỗn hợp nhà ở cao tầng. Dự án này có diện tích khoảng 1.138m2 gồm 17 tầng nổi và một tum thang kỹ thuật. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong quý IV năm nay.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các khách sạn cao cấp để phát triển du lịch là cần thiết, nhưng Hà Nội không nên vội vã. “Thành phố cần có sự thống kê lượng khách sạn mini của tư nhân ở trung tâm vì những khách sạn dạng này rất nhiều. Hơn nữa việc xây khách sạn phải được phân bố cho phù hợp tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu, đặc biệt liên quan đến hạ tầng, kết nối giao thông tránh tình trạng quá tải như hiện nay do ồ ạt xây cao ốc, chung cư. Việc này Hà Nội phải tính toán kỹ”, ông Tùng nói. |