Hà Nội sẽ tổng rà soát tín dụng đen

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra, làm rõ, bắt giữ và xử lý nghiêm...

Hà Nội sẽ tổng rà soát tín dụng đen - 1

Hình minh họa.

Tại tọa đàm “Hiến kế đẩy lùi tín dụng đen, cho vay lãi suất cao “cắt cổ” chiều 20/9, Thượng tá Trần Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận một số vụ án liên quan đến tín dụng đen với các tội danh liên quan như bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản. Ông Trung cho biết, các đối tượng bắt giữ người vay, đánh đập để đòi tiền, thậm chí có trường hợp liên quan đến tội danh giết người. “Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra, làm rõ, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng này”, ông Trung nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, hiện có 3 loại vay tín dụng đen: Cho vay tiền gộp (ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày); Cho vay nóng (trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định) và Cho vay mua xổ số. Ông Lực cho biết, lãi suất cho vay gộp hiện ở mức 60-70%/năm, còn lãi suất vay nóng lên hơn 100%. “Tín dụng đen của nền kinh tế chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, ước tính tầm 400-500 ngàn tỷ đồng. Tuy quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy xã hội rất lớn”, ông Lực đánh giá.

Trước câu hỏi, tín dụng đen vì đâu tồn tại mãi và không bị ngăn chặn, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lý giải: "Những đối tượng cho vay tín dụng đen đã lách Luật Dân sự cho phép vay tài sản theo Điều 468, Luật Dân sự 2015. Bên cạnh đó, khi vay tín dụng đen, người vay không cần tài sản thế chấp và khi vay vốn lại giấu diếm không cho ai biết, đến khi vụ việc vỡ lở thì đã muộn".

Làm rõ thêm vấn đề, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết: “Tôi nghĩ có một nguyên nhân nữa là tại Việt Nam, kinh tế phi chính thức vẫn còn có quy mô lớn, tạo mảnh đất cho tín dụng đen phát triển”. Về khía cạnh luật pháp, ông Lực cho hay, Luật Dân sự 2015 có Điều 468 quy định trần lãi suất là 20% nhưng lại có mở ngoặc là trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. “Nếu Luật Các tổ chức tín dụng cho phép thỏa thuận thì trần lãi suất nói trên không bị vi phạm. Ví dụ như cho vay tiêu dùng hiện nay có lúc 40-45% nhưng không vi phạm luật”, ông Lực giải thích.

“Tội cho vay nặng lãi trong luật nếu gấp 5 lần 20% (tức 100%) thì là vi phạm và mức thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng sẽ bị xử phạt, cả phạt hành chính và giam giữ. Tôi cho rằng, nếu luật chuyên ngành cho phép thỏa thuận, thì áp dụng Luật Hình sự cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn”, ông Lực kiến nghị.

Thượng tá Trần Quốc Trung cho biết, Giám đốc Công an TP đã có kế hoạch cụ thể để tổng rà soát, lên danh sách, quản lý các đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Đồng thời giao cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ và phân cấp để quản lý. “Khi các cửa hàng cầm đồ có sai phạm, Công an TP đã kiến nghị các ngành liên quan để rút giấy phép hoạt động, buộc đóng cửa theo quy định của pháp luật”, ông Trung thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN