Hà Nội: Nhiều khu đô thị bị “sờ gáy”
Sở TN&MT thành phố đã có kết luận thanh tra và đang xem xét chỉ đạo việc lập hồ sơ thu hồi đất với 3 dự án.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội với Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), đến cuối năm 2013, TP Hà Nội đã quyết định thu hồi đất với 11 tổ chức, tổng diện tích đất bị thu hồi lên tới trên 9,6 triệu m2. Ngoài ra, Sở TN&MT thành phố đã có kết luận thanh tra và đang xem xét chỉ đạo việc lập hồ sơ thu hồi đất với 3 dự án.
Thu hồi dự án khu đô thị mới Quốc Oai
Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố ngày 4/12 về kết quả xử lý các “dự án treo”, UBND TP Hà Nội đã thông báo kết quả rà soát 170 dự án chậm triển khai.
Theo đó, có 86 dự án đã có báo cáo kiểm tra, kết luận Thanh tra của Sở TN&MT và các sở, ngành thành phố kiến nghị xử lý, khắc phục; UBND thành phố có văn bản chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra, kiểm tra (Khu đô thị mới Thanh Hà CIENCO5 - Chủ đầu tư CIENCO5; Tòa tháp Thiên Niên Kỷ Hà Tây - chủ đầu tư Công ty TSQ Việt Nam; Bệnh viện Quốc tế 500 giường - chủ đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường)…
24 dự án Sở TN&MT đã tiến hành xong công tác thanh tra, đang dự thảo báo cáo: Khu đô thị mới TSQ Galaxy tại phường Vạn Phúc, Hà Đông; Khu đô thị mới 2 bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, Hà Đông; Khu đô thị mới Văn Phú; Khu đô thị mới Mỗ Lao...
Phối cảnh tổng thể khu đô thị Quốc Oai. Ảnh: T.L.
27 dự án Sở TN&MT đã có quyết định thành lập các đoàn thanh tra, đang tiến hành thanh tra: Khu đô thị dịch vụ tổng hợp hồ Linh Đàm và khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp cùng có chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà - HUD)...
Hà Nội có 152 khu đô thị mới Theo UBND TP Hà Nội, trên toàn thành phố có 152 khu đô thị mới (quy mô trên 20 ha), trong đó 15 khu đã cơ bản hình thành, bước đầu đưa vào sử dụng; 45 khu đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đất; 92 khu đã được phê duyệt quy hoạch, đang GPMB, thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc mới bắt đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật. |
29 dự án có vướng mắc trong công tác GPMB thuộc nhiệm vụ của UBND các quận, huyện thị, xã. Sở TN&MT đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thành phố... Ngoài ra, có 4 dự án Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố và Sở Kế hoạch & Đầu tư đang tiến hành thanh tra: Làng du lịch đoàn kết Hồ Tây (chủ đầu tư Công ty TNHH Đoàn Kết) tổ 30 cụm 4 phường Nhật Tân, Tây Hồ; Khu đô thị mới Văn Quán, Yên Phúc (Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà - HUD) tại phường Văn Quán và phường Phúc La, quận Hà Đông diện tích hơn 60 ha; Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Tổng công ty phát triển nhà và đô thị) tại lô CC1, CC3 Khu đô thị Mỹ Đình với trên 24 ha; Khách sạn Hoa Sen và nhà hát Thăng Long (Công ty CP Kinh Bắc) tại Mỹ Đình.
Đáng chú ý, TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất với hàng chục dự án và 3 dự án đang bị Sở TN&MT kiến nghị thu hồi. Trong các dự án có quyết định thu hồi, có dự án xây dựng khu đô thị mới Quốc Oai (chủ đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường) tại huyện Quốc Oai có diện tích trên 940 ha. Đây là khu đô thị thứ 2 của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường bị thu hồi (năm 2012, TP Hà Nội cũng đã có quyết định thu hồi đất dự án Khu đô thị Thạch Thất).
Lối thoát cho các dự án
Cũng với nội dung trên, báo cáo với Bộ TN&MT, TP Hà Nội đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và kiến nghị, đề xuất hướng xử lý các dự án vi phạm luật đất đai.
TP Hà Nội cho rằng, mục đích của việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai là nhằm đưa đất vào sử dụng đúng pháp luật, mang lại hiệu quả kinh tế. Theo quy định của pháp luật đất đai, tùy theo mức độ vi phạm mà Nhà nước xử lý phạt hành chính cho đến thu hồi đất.
Các trường hợp vi phạm lại phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan (như dừng lại để chờ rà soát sau khi hợp nhất, không còn phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, do kinh tế suy giảm...). Vì vậy, không phải trường hợp nào vi phạm cũng quyết định thu hồi đất. Bên cạnh đó, có trường hợp theo quy định pháp luật đủ điều kiện thu hồi nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn vị có phương án khắc phục khả thi thì cần có thời gian để đơn vị thực hiện.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng kiến nghị với Bộ TN&MT nhiều giải pháp để “gỡ khó” cho các dự án: Nếu chủ đầu tư không thể thực hiện đúng tiến độ dự án thì phải báo cáo xin gia hạn hoặc xin phép thành phố cho chuyển mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch. Đối với các dự án không đủ năng lực thực hiện thì cho phép liên hệ với các đơn vị khác để chuyển nhượng lại dự án hoặc liên danh, liên kết. Đối với các dự án đã GPMB xong, nay do điều chỉnh quy hoạch, phương án sản xuất kinh doanh… trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh thì cho phép sử dụng tạm vào mục đích khác (có thời hạn).