Hà Nội: 5.000 mét vuông đất bị lấn chiếm trái phép
UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) từng chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm nhưng việc tái lấn chiếm vẫn diễn ra.
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đến nay, khi dự án chưa hoàn thành, hàng ngàn mét vuông đất đã giải phóng mặt bằng đã bị người dân lấn chiếm trái phép.
Năm 2007, UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định (số 1163) để Cty Cổ phần Kinh doanh & Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt là HANHUD, thuộc Tổng Cty Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội) đầu tư xây dựng Khu đô thị mới (KĐTM) Cầu Bươu. Theo Quyết định 1163, HANHUD được phép sử dụng 197.975m2 đất tại các xã Thanh Liệt, Tân Triều (huyện Thanh Trì) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng KĐTM Cầu Bươu.
Đến nay, HANHUD đã đền bù, giải phóng mặt bằng phần lớn diện tích đất được giao; chỉ còn hơn 4ha chưa xử lý xong do đây là đất của các hộ dân sống lâu đời dọc đường tỉnh lộ 70 và một số cơ quan.
Một khu vực đã giải phóng mặt bằng tại KĐTM Cầu Bươu bị lấn chiếm
Sau khi có phần lớn “đất sạch”, HANHUD đã thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây dựng chung cư, nhà liền kề, biệt thự tại KĐTM Cầu Bươu. Tuy nhiên gần đây, một số người dân đã “nhảy dù” vào phần đất đã giải phóng mặt bằng để lấn chiếm với quy mô ngày càng phức tạp.
“Theo thống kê, đến nay số diện tích bị lấn chiếm đã hơn 5.000 m2, với trên 60 công trình vi phạm. Bản thân Công ty cũng chủ động thuê bảo vệ chuyên nghiệp để giữ đất, nhưng hiện vẫn chưa thể ngăn chặn được sự manh động lẫn ngoan cố của các đối tượng lấn chiếm”. Vị lãnh đạo của HANH |
Có mặt tại KĐTM Cầu Bươu, chúng tôi chứng kiến cảnh lấn chiếm được tiến hành tại nhiều nơi của dự án. Đó là các lô đất NC3 (khu đất trao trả thành phố để thực hiện tái định cư), khu đất cơ quan, khu xử lý nước thải, khu đất biệt thự... bị người dân lấn chiếm để sử dụng trái phép.
Phần lớn đất lấn chiếm được xây nhà một tầng hoặc làm lều lán để giữ đất, nhưng cũng có những ngôi nhà được xây 2-3 tầng kiên cố. Qua tìm hiểu được biết, đối tượng lấn chiếm thường xây nhà vào ban đêm, ngày nghỉ. Nhiều công trình bị cưỡng chế, phá dỡ - nhưng khi lực lượng chức năng rời đi, các đối tượng lại tiếp tục xây dựng, thậm chí với quy mô lớn hơn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo HANHUD cho biết: UBND huyện Thanh Trì từng chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm nhưng việc tái lấn chiếm vẫn diễn ra. Bản thân lực lượng thanh tra xây dựng của các xã nơi có KĐTM Cầu Bươu cũng bám địa bàn để ngăn chặn các công trình lấn chiếm, nhưng do nhân lực mỏng nên chủ yếu cưỡng chế được những vi phạm nhỏ.