Gửi tiền tiết kiệm vẫn lãi tốt trước biến động tỷ giá
Các chuyên gia kinh tế phân tích cho rằng, trước biến động tỷ giá, giá vàng hiện nay, người dân có tiền gửi tiết kiệm vẫn sẽ đảm bảo có lời tốt từ nay tới cuối năm.
Lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát nhiều lần
Thời gian qua, một số ngân hàng vừa và nhỏ đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất huy động một số kỳ hạn tại Sacombank (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương) và SeABank (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á) đã tăng thêm 0,1 %/năm. Mức tăng lãi suất tiền gửi tại VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế) cũng từ 0,2 - 0,3 %/năm. ABBank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2 %/năm…
Gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc này, người dân vẫn có lãi
So với mức lãi suất huy động mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang áp dụng, thì biểu lãi suất của một số ngân hàng thương mại hiện đang ở mức cao hơn từ 0,1 – 0,4%, có nơi lên 0,7%. Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoáng cho biết, mức độ điều chỉnh lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục tăng khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm.
Theo báo cáo mới nhất từ NHNN, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm bằng VND đang ổn định ở mức 6,4-7,2%/năm, trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD đối với tổ chức là 0,25%/năm và đối với dân cư là 0,75%/năm. Với mức mất giá của tiền đồng từ đầu năm đến nay, người gửi tiền bằng USD và VND thực chất có mức lợi suất gần như tương đương.
Tổng cộng mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm đến nay là 5,1% mới gần bằng biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD trung bình đang vào khoảng 6%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, lãi suất tiền gửi của ngân hàng hiện vẫn cao hơn lạm phát nhiều lần (lạm phát bình quân 8 tháng đầu năm chỉ tăng 0,83%) và cao hơn mức mất giá của tiền đồng hiện nay nên đã cân bằng được lợi ích của người dân đang gửi đồng Việt Nam, nói cách khác lãi suất tiết kiệm vẫn đang đủ bù mất giá VND.
Các ngân hàng cho biết, lượng khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 3 – 6 tháng đang tăng khá mạnh so với các kỳ hạn từ 12 – 24 tháng. Bởi ngoài lãi suất thường, nhiều ngân hàng đã đưa ra một số sản phẩm tiền gửi có quà tặng, tăng thêm % lãi suất theo thỏa thuận… “Trong bối cảnh găm giữ đồng USD đầy rủi ro, chứng khoán lên xuống thất thường, đầu tư vàng lỗ… nhiều người gửi tiền sẽ chọn kỳ hạn gửi lý tưởng 6 tháng để được hưởng mức lãi suất cao hơn”- một chuyên viên phân tích của phòng giao dịch ngân hàng Sacombank tại Hà Nội cho biết.
Lợi hơn khi gửi tiền đồng
Đánh giá về quyền lợi của người có tiền gửi tiết kiệm hiện nay, chuyên gia tài chính ngân hàng ông Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận: Người gửi tiền tiết kiệm đang có lợi. Ông Hiếu nói: “Lý ra tỷ giá tăng sẽ đẩy một lượng tiền lớn vào nền kinh tế làm tăng lạm phát kéo theo lãi suất giảm xuống. Tuy nhiên, tình hình của ta đang ngược lại, tỷ giá tăng, lãi suất cũng tăng lên”.
Chuyên gia này cho rằng, lý do lãi suất tiền gửi tăng hiện nay là do các ngân hàng “sợ chảy máu tiền đồng”. “Tỷ giá VND/USD tăng đã khiến tình trạng rút tiền đồng đầu cơ mua USD tăng. Đối phó với việc này, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động lên để người gửi tiền tiếp tục bỏ tiền đồng vào ngân hàng. Do vậy, người có tiền đồng gửi ngân hàng mới có lợi hơn rất nhiều như vậy” - ông Hiếu khẳng định.
Theo TS.Cấn Văn Lực - Phó Tổng Giám đốc BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), khi tỷ giá tăng, nhiều người có tâm lý chuyển sang nắm giữ hoặc mua USD gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, NHNN đã tuyên bố ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm, không điều chỉnh thêm nên những người chuyển sang nắm giữ USD thời điểm này chỉ hưởng lãi suất tiết kiệm 0,75%/năm. Hơn nữa, lạm phát từ đầu năm đến nay ở Việt Nam được kiểm soát tốt và dự đoán đến cuối năm cũng chỉ tăng khoảng 2,5-3% nên gửi tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn có lợi hơn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ảnh hưởng tới lãi suất và quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hiện nay chính là biến động tỷ giá từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, dự báo về tỷ giá các tháng cuối năm, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó có thể tiếp tục phá giá tiền đồng do khoảng cách lãi suất tiền gửi VND và USD đã bị thu hẹp lại rất nhiều sau khi đã tính đến tác động của phá giá từ đầu năm.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phá giá thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng nội tệ, làm gia tăng áp lực đô la hóa trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các mục tiêu của chính sách tiền tệ”- BVSC khẳng định.
Số liệu do NHNN công bố mới nhất cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. |