Gửi tiền tỉ, chỉ được nhận 75 triệu đồng khi ngân hàng phá sản?

Theo quy định hiện hành, người gửi tiền được chi trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) với một mức chung là 75 triệu đồng cho tất cả các hạn mức gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.

Đó là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội ((ĐBQH) băn khoăn trong phiên thảo luận của QH về Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra sáng 26-10.

Gửi tiền tỉ, chỉ được nhận 75 triệu đồng khi ngân hàng phá sản? - 1

24 khách hàng "VIP" lo lắng vì sổ tiết kiệm tiền tỉ gửi ở OceanBank Chi nhánh Hải Phòng bị "mất tích" khỏi hệ thống

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thư (Hà Tĩnh) nói thực tiễn ở địa phương cho thấy mức quy định mức tối đa là 75 triệu đồng cho người gửi tiền khi phá sản ngân hàng là không có ý nghĩa thực tiễn vì trong dân cư, nhiều người gửi hàng tỉ đồng tại ngân hàng. 

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) cho rằng việc sửa lần này vẫn mang tính chắp vá, chưa toàn diện. Luật cần xác định bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là ưu tiên số 1 vì tiền gửi của dân cư chiếm 85% vốn huy động của ngân hàng, có thể coi là cổ đông đặc biệt của ngân hàng. Theo ĐB Thủy, tỉ lệ chi trả người gửi tiền phải tương ứng với tiền gửi thay vì gửi 100 triệu cũng được bồi thường 75 triệu đồng, gửi 10 tỉ đồng cũng nhận 75 triệu đồng.

Là sếp ngân hàng, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank) nêu ý kiến: về vấn đề hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền khi phá sản ngân hàng, tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ đã trình 2 nội dung. Một là cho phép Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được sử dụng cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ ngân hàng phá sản chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã chi trả. Hai là có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trong trường hợp các khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được sau khi thanh lý tài sản. Nhưng trong báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ QH kỳ này đã thay thế nội dung này và giao Chính phủ quyết định biện pháp đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đảm bảo an ninh tiền tệ... 

"Tôi thấy quy định như trên chưa rõ ràng có thể khó khăn cho thực hiện. Vì khái niệm biện pháp cho vay đặc biệt chưa rõ là biện pháp gì, có bao hàm cho vay bắt buộc không. Nếu có thì cũng chưa đầy đủ vì khi đã đồng ý để Chính phủ cho vay đặc biệt có thể xảy ra tình trạng sau khi cho vay không đủ thu hồi về. Lúc đó xử lý như thế nào"- ĐB Nguyễn Văn Thắng nói và phân tích thêm: "Trong trường hợp cho vay đặc biệt nhưng không thu hồi đủ thì tiền thiếu hụt sẽ phải xin ý kiến QH. Tiền đã đưa ra để chi trả cho người gửi rồi, nếu QH đồng ý thì ai chịu trách nhiệm trong khoản vay không thu hồi được?"

Theo ông Thắng, nếu trường hợp không bao hàm cho phép sử dụng nguồn lực Nhà nước để hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức thì sẽ có khoảng trống khi ngân hàng bị phá sản không đủ tiền chi trả đầy đủ cho dân. Hệ luỵ sẽ là gây mất an ninh an toàn tiền tệ. "Trong trường hợp phải cân đối chấp nhận bỏ ngân sách ra không. Mặc dù khoản ngân sách bỏ ra chỉ rất nhỏ thôi nhưng sẽ có tác dụng đảm bảo an ninh an toàn xã hội. Tôi đề nghị cho phép Chính phủ được sử dụng nguồn lực Nhà nước hỗ trợ bồi thường tín dụng trong trường hợp phá sản như ở luật kỳ 3"- ĐB Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Cung cấp thêm về số liệu hoạt động ngân hàng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết thực hiện tái cơ cấu hệ thống tổ TCTD, đến nay đã xử lý được 22 tổ chức. Tổng tài sản của hệ thống tín dụng đã lên đến 9 triệu tỉ đồng, trong đó tổng tài sản của các ngân hàng là hơn 8 triệu tỉ. Riêng tiền gửi của dân cư chiếm khoảng 4 triệu tỉ đồng, là độ sâu tài chính đã lên đến 120% GDP nên quá trình xử lý TCTD phải cân nhắc đến độ sâu tài chính này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN