GS toán tố cách “chữa” cao ốc siêu mỏng

Công trình 7 tầng bỗng dưng được phê duyệt cho cao vọt lên… 16 tầng vẫn trên mảnh đất cũ dẫn đến nguy cơ xuất hiện một cao ốc siêu mỏng.

Nhà quản lý buộc phải tính đến việc thu hồi thêm đất của dân để “chữa cháy”. Dân bức xúc khiếu nại liên miên. Những bất cập ấy khiến dự án bỏ hoang nhiều năm nay.

“Nghệ thuật” chữa nhà siêu mỏng

Trên ô đất 4.6 mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có một dự án treo suốt từ năm 2004 đến nay, hàng rào bằng tôn quây kín phía ngoài, bên trong cỏ mọc um tùm, lán trại công trường đã cũ nát, hoang phế. Hình ảnh này thoạt nhìn chẳng có gì lạ ở đất Thủ đô, nhưng nó đang khiến gần chục hộ dân sống tại ngách 72/125 Cụm Sòi, Cụm Chùa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) sống trong thấp thỏm nỗi lo mất đất, mất đường dân sinh. Nguyên do là, dự án Tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và xuất nhập khẩu Sông Hồng (Công ty CP Sông Hồng) án ngữ diện tích hơn 1.500m2 đất, sau một lần điều chỉnh quy hoạch đã vọt từ 7,5 tầng lên… 16 tầng, làm nảy sinh nhiều hệ lụy.

Trong đơn gửi tới các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hữu Việt Hưng – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo ưu tú (ĐHQG Hà Nội) trú tại số nhà 23 ngách 72/125 Quan Nhân (phường Nhân Chính) bức xúc cho biết, sự thay đổi tính chất dự án khiến gia đình ông và 7 hộ dân khác có nguy cơ mất đất sổ đỏ chỉ để phục vụ việc “chữa cháy” cho một cao ốc khỏi hình thù siêu mỏng. Năm 2004, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Công ty Sông Hồng là nhà đầu tư được chọn giao đất thực hiện dự án tại ô 4.6 Lê Văn Lương. Theo quy hoạch chi tiết tuyến Láng Hạ - Thanh Xuân tỷ lệ 1/500, trên ô đất 1.573m2 này chỉ được xây tối đa 7,5 tầng, mật độ xây dựng 55%, diện tích sàn 6.489m2. Sau khi treo nhiều năm, đến 2008, UBND TP Hà Nội lại giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc quy hoạch định hướng không gian kiến trúc trên tuyến đường Lê Văn Lương theo tỷ lệ 1/2000. Theo đó, trên ô đất 4.6 này được điều chỉnh bổ sung chức năng thành dự án tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, chiều cao công trình lên tới 16 tầng. Với “chiều dày” mảnh đất vẫn là 23m, chiều cao công trình hơn 46m, dự án này có nguy cơ đẻ ra một cao ốc siêu mỏng. Và thế là chủ đầu tư và các nhà quản lý phải nghĩ ra phương án khắc phục.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc chính là cơ quan đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ý tưởng thu hẹp khoảng lùi xây dựng tại dự án này. Theo đó, công trình ở ô đất 4.6 Lê Văn Lương được phép cách ranh giới đất phía khu dân cư tối thiểu 6,5m, phía Đông Nam khu đất này sẽ mở đường nội bộ sử dụng chung cho người dân khu vực với bề rộng 5,5m. Nói một cách dễ hiểu, “khoảng lùi xây dựng” này khiến nhà dân nằm sát sạt cao ốc, trong khi Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (2008) nói rõ là thì khoảng cách tối thiểu từ công trình cao hơn 46m tới ranh giới đất của công trình là 12,5m, và như thế sẽ cách khá xa nhà ở của các hộ dân. GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng và nhiều gia đình đang hoang mang về số phận căn nhà của mình khi tiếp giáp một công trình lớn như thế, nhất là lúc triển khai thi công ép cọc, đào móng. Chưa kể họ còn mất phần đất sổ đỏ đang sống yên ổn hàng chục năm để làm đường dân sinh thay thế cho con đường sẽ bị lấy mất để thực hiện “khoảng lùi xây dựng”.

GS toán tố cách “chữa” cao ốc siêu mỏng - 1

Dự án treo vì “khoảng lùi xây dựng” kỳ cục

Thờ ơ cho được việc?

Trong đơn khiếu nại quyết định hành chính Quyết định 2608/QĐ-UBND ngày 15/9/2011 của UBND quận Thanh Xuân về việc thu hồi 17,07m2 đất của gia đình, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng khẳng định: Phần đất các hộ dân từ số 3 đến số 23 ngách 72/125 Quan Nhân không thuộc diện Nhà nước ra quyết định thu hồi đất; Quy hoạch 1/2000 tuyến đường Lê Văn Lương không lấy ý kiến người dân trong quá trình thẩm định, không công khai sau khi phê duyệt; Dự án nhiều lần đổi chủ đầu tư, đổi thiết kế, không hợp lòng dân nên gần 10 năm qua vẫn bỏ hoang. Ông Nguyễn Hữu Việt Hưng nhấn mạnh, việc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cố ý làm trái quy chuẩn xây dựng về khoảng lùi tối thiểu sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường, khi đó không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.

Bức xúc trước việc bị mất đất, càng hoang mang khi có khả năng nhà cửa nằm sát một công trường lớn, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng và nhiều hộ dân đã gửi đơn lên UBND TP Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND quận Thanh Xuân… để kêu cứu về dự án xây dựng này, nhưng họ chỉ nhận được sự im lặng. Ngay văn bản số 222/TTr-TrXD năm 2009 của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã chỉ rõ việc mở đường nội bộ tiếp giáp ô đất quy hoạch giáp công trình 16 tầng này là không hợp lý. Song, đến lúc này, các cơ quan chức năng liên quan tại Hà Nội chưa có điều chỉnh cụ thể khiến người dân vẫn phải sống trong lo âu, thấp thỏm. GS Hưng đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, can thiệp, thu hồi Quyết định 2608 của UBND quận Thanh Xuân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời giải quyết thoả đáng dự án xây dựng ở lô đất 4.6 Lê Văn Lương phù hợp với Luật Đất đai, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, Luật Tiêu chuẩn-Quy chuẩn kỹ thuật…

Về vụ việc bùng nhùng này, đầu tháng 6, PV đã liên hệ với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và được lãnh đạo Sở phê trực tiếp vào giấy giới thiệu để cấp dưới chuẩn bị nội dung trả lời, tuy nhiên gần 1 tháng trôi qua, sau nhiều lần phóng viên giục, Văn phòng Sở này chỉ cho biết cán bộ của mình vẫn đang chuẩn bị. Mới đây nhất, lãnh đạo Văn phòng Sở lại thông tin, các vấn đề phóng viên đặt câu hỏi tới Sở sẽ được trả lời qua đường… công văn. Sở này chính là cơ quan triển khai ý tưởng “bẻ cong” quy chuẩn xây dựng về khoảng cách tối thiểu của công trình lớn tới khu dân cư.

“Tháng 1/2010, khi chưa được đổi làm chủ đầu tư, Công ty CP Sông Hồng đã cho dịch chuyển hàng rào ô đất 4.6 lấn chiếm khu dân cư. Công an phường Nhân Chính đã phát hiện, ra lệnh đình chỉ, yêu cầu dựng lại hàng rào ở vị trí cũ”.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN