Grab Việt Nam nói gì sau phán quyết thương vụ Grab mua Uber
Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) vừa đưa ra phán quyết về giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber.
Theo đó, đơn vị này ra quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đô la Singapore (hơn 9,5 triệu USD). Trong đó, Uber bị phạt 6,58 triệu đô la Singapore (hơn 4,8 triệu USD), Grab bị phạt 6,42 triệu đô la Singapore (gần 4,6 triệu USD) do thương vụ sáp nhập của hai công ty.
CCCS cho rằng thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe. Nên việc xử phạt nhằm "ngăn những vụ sáp nhập đã hoàn thành, không thể đảo ngược, nhưng gây tổn hại đến cạnh tranh".
Một số quốc gia đã vào cuộc điều tra thương vụ mua bán giữa Uber, Grab. Ảnh: Internet
Mức phạt được đề ra dựa vào các yếu tố về doanh thu của công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, có xét các tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.
Liên quan đến phán quyết trên, ngày 24-9, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam, cho biết đơn vị hài lòng trước việc CCCS đã không yêu cầu hủy thương vụ Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber.
Người đứng đầu Grab Việt Nam khẳng định quyết định của CCCS và gần đây là sự kiện Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) chấp thuận tính hợp pháp của giao dịch trên, đánh dấu một định hướng đúng đắn trong việc đánh giá cao những lợi ích mà giao dịch này mang đến.
“Grab thực hiện giao dịch với niềm tin đầy thiện chí rằng giao dịch này không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật cạnh tranh. Điểm mấu chốt nằm ở sự khác biệt về quan điểm giữa Grab và cơ quan chức năng khi xác định các yếu tố tạo nên một thị trường mang tính cạnh tranh…”, ông Jerry Lim giải thích.
Trong số các công ty kinh doanh vận tải, các công ty taxi có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường, ông Jerry Lim cho rằng họ vẫn đang giữ vị trí là những đối thủ đáng gờm của những công ty công nghệ phát triển ứng dụng gọi xe như Grab tại các quốc gia mà Grab hoạt động.
“Khách hàng vẫn có quyền lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển và cách thức gọi xe khác nhau, như vẫy xe trên đường, gọi xe qua tổng đài hoặc các ứng dụng gọi xe khác và tài xế vẫn có quyền quyết định chuyển sang các công ty khác phù hợp với nhu cầu của mình, ví dụ như các điều kiện về giá cả và thu nhập…”, Jerry Lim khẳng định.
Người đứng đầu Grab tại Việt Nam cũng khẳng định khác với Singapore và Philippines, tại Việt Nam, Grab chỉ có thể cung cấp dịch vụ kết nối di chuyển thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp vận tải và hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải hợp pháp.
Theo đó, các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã này sẽ cung cấp dịch vụ vận tải cho hành khách khi họ đặt dịch vụ trên nền tảng ứng dụng Grab. “Với vai trò là một công ty công nghệ, chúng tôi không sở hữu xe và không ký hợp đồng hợp tác trực tiếp với tài xế…”, ông Jerry Lim nhấn mạnh.