Grab, Uber đang rời xa mô hình kinh tế chia sẻ?
Trên thực tế, nhiều lái xe Uber, Grab là những lái xe chuyên nghiệp, hoạt động kinh doanh toàn thời gian. Có những người đầu tư phương tiện để kinh doanh.
Hoạt động của Uber, Grab đang rời xa mô hình kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ là cụm từ được nhắc đến nhiều tại Việt Nam thời gian gần đây, nhất là khi các hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách như Uber và Grab đang hoạt động mạnh mẽ và cuộc chiến giữa các doanh nghiệp này với các hãng taxi truyền thống được nhắc đến nhiều trong năm 2017.
Năm 2015, Bộ GTVT đã cho triển khai Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân. Đồng thời, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông đô thị thông qua việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe ô tô.
Dù vậy, thực tiễn cho thấy hoạt động của Grab hay Uber lại cho thấy xa rời mô hình kinh tế chia sẻ. Trong Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2018, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng: Trên thực tế, nhiều lái xe (Uber/Grab) là những lái xe chuyên nghiệp, hoạt động kinh doanh toàn thời gian. Có những người đầu tư phương tiện để kinh doanh.
Rất ít người kết hợp chuyến đi của mình với hành khách có cùng hành trình để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả xã hội. Với thực tiễn hoạt động như vậy, có thể coi GrabTaxi hay Uber là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi công nghệ (khác biệt với các hãng taxi truyền thống ứng dụng công nghệ ở mức thấp và kém hiệu quả).
Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh hoạt động của Grab, Uber. Ảnh minh họa
Sau 2 năm thí điểm chưa có bằng chứng rõ ràng về việc đạt được mục tiêu xã hội là góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông đô thị thông qua việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe ô tô.
Ngược lại, số lượng xe tham gia vào mạng lưới chạy Uber, Grab đang phát triển nóng. Tốc độ tăng trưởng phương tiện quá nhanh ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến các địa phương này lo ngại.
Cụ thể, số liệu thống kê được đưa ra trong một cuộc họp của Bộ GTVT gần đây cho hay, số phương tiện kinh doanh theo hợp đồng tại TP.HCM đã tăng lên khoảng 22.000 xe, gấp đôi lượng taxi truyền thống. Con số này tại TP.Hà Nội là hơn 10.000 xe. Việc tăng trưởng quá nóng có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát. Đây cũng là lý do các địa phương đều xin kết thúc sớm đề án đồng thời đưa ra các giải pháp để hạn chế lượng xe tham gia mới.
Cũng theo VECOM, quy định thí điểm của Bộ GTVT cho thây Uber, Grab chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và đã thận trọng khi gọi các doanh nghiệp như Grab hay Uber là “đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ”. Một số đơn vị truyền thông gọi các công ty này là taxi công nghệ và đề xuất gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải sử dụng dịch vụ của họ là taxi đặt xe qua mạng. “Như vậy,hoạt động của các hãng như Uber hay Grab không hẳn là các công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ”.
Uber, Grab có thể sẽ bị quản như taxi truyền thống
Hiện, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 86 quy định tổng số 49 điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý các phần mềm công nghệ kết nối trong hoạt động vận tải bao gồm cả Uber và Grab như quy định đối với đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối hợp đồng vận tải điện tử.
Người đứng đầu Bộ GTVT trong một cuộc họp mới đây cho biết, loại hình kinh doanh vận tải hành khách ứng dụng phần mềm kết nối như xe Uber, Grab có bản chất hoạt động của hai đơn vị này tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh vận tải taxi kết hợp ứng dụng công nghệ. Do vậy, cần đưa ra các quy định để các đơn vị này kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải hoạt động đúng theo quy định pháp luật của Việt Nam, đúng theo các quy định của WTO, đảm bảo chế độ chính sách quyền lợi cho lái xe, người lao động theo pháp luật Việt Nam cũng như có trách nhiệm đối với các hoạt động của lái xe.
Đối với loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng cần bổ sung các điều khoản để không cản trở các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia kinh doanh vận tải nhưng đảm bảo các điều kiện để việc kinh doanh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân. Quản lý hiệu quả đội ngũ lái xe hợp đồng từ lý lịch đến trình độ, bổ sung thêm quy định tập huấn cho đội ngũ này từ chuyên môn, nghiệp vụ đến các quy định chuyên ngành.
Ngoài ra, các địa phương cũng bắt đầu siết mạnh hơn các hoạt động quản lý đối với loại hình phương tiện này. Chẳng hạn như thành phố Hà Nội hiện cũng đang thực hiện lệnh cấm xe hợp đồng hoạt động trên 11 tuyến phố để giảm ùn tắc giao thông.