Grab “khóc” lên Thủ tướng, tố taxi truyền thống “sợ cạnh tranh”

Phía Grab bày tỏ, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải có phần bảo hộ taxi truyền thống và bỏ qua lợi ích và tiến bộ với kinh tế xã hội.

Theo văn bản vừa được Công ty TNHH Grab gửi Thủ tướng Chính phủ, công ty này bày tỏ bất ngờ và quan ngại trước dự thảo nghị định trên.

Theo dự thảo, hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên. Ngoài ra, dự thảo nêu rõ: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.

Điều này có nghĩa xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử. Đặc biệt, tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.

Grab “khóc” lên Thủ tướng, tố taxi truyền thống “sợ cạnh tranh” - 1

Phía Grab bày tỏ, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải có phần bảo hộ taxi truyền thống .

Phía Grab cho rằng, những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại.

Về phía mình, Grab khẳng định đang cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Trong 9 tháng năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018.

“Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh” lãnh đạo Grab nói.

Grab cho rằng, nếu thông qua dự thảo là có phần bảo hộ taxi truyền thống, chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua các lợi ích và sự tiến bộ sẽ là bước lùi.

“Chúng tôi mong muốn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại” văn bản nêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN