Grab có thể thâu tóm Uber khu vực Đông Nam Á
Grab được cho là đã đàm phán với Uber nhằm mua lại mảng kinh doanh của hãng gọi xe Mỹ trong khu vực Đông Nam Á.
Trang công nghệ lớn nhất châu Á KR Asia dẫn nguồn tin cho biết Grab đã tiến hành đàm phán với Uber để mua lại mảng kinh doanh khu vực Đông Nam Á (SEA) của hãng gọi xe Mỹ. Với việc này, Grab - hãng gọi xe số 1 Đông Nam Á - sẽ gia tăng thị phần đáng kể và không có đối thủ xứng tầm ở khu vực.
Năm ngoái, Uber đã chuyển các hoạt động của công ty tại Trung Quốc sang cho Didi Chuxing nhằm kết thúc cuộc chiến tốn kém với Didi và định vị lại các nguồn lực để chiến thắng tại các thị trường trong khu vực SEA. Là thị trường Internet lớn thứ tư trên thế giới, khu vực Đông Nam Á đang nở rộ do lượng người tiêu dùng trẻ tuổi và giàu có đang ngày càng có thu nhập cao hơn.
Với tiềm năng mạnh mẽ của nền kinh tế chia sẻ, nguồn vốn vô tận đã được rót vào ngành này, cộng với rất nhiều đối thủ địa phương nổi lên khiến Uber phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Hãng Mỹ gặp sự cạnh tranh quyết liệt của Go-Jek ở Indonesia, thị trường đông dân nhất khu vực, và phải nhường thị phần lớn cho Grab trên toàn Đông Nam Á.
Ảnh: KR Asia
Grab năm ngoái tuyên bố chiếm đến 95% thị phần trong ứng dụng gọi xe của bên thứ 3, chiếm 71% lĩnh vực gọi xe riêng, và đã hoàn thành 1 tỷ chuyến đi trong khu vực SEA.
Uber không công bố thị phần của hãng trong khu vực nhưng cho biết đã đạt mốc 5 tỷ chuyến đi trong thông báo hồi tháng 6 năm ngoái. Hãng có mặt tại 80 quốc gia trên toàn thế giới nhưng hiện vẫn chưa công bố các số liệu về thị phần.
Grab xuất hiện sau Uber, bắt đầu kinh doanh từ Malaysia và phủ rộng 160 thành phố tại các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, và Campuchia. Uber hiện có mặt trên 60 thành phố trong khu vực.
Sự tăng trưởng nhanh của Grab có thể do hãng này am hiểu thị trường trong khu vực và biết cách điều chỉnh linh hoạt nhằm thích ứng với các quốc gia.
Chẳng hạn, hãng gọi xe này ngay từ đầu chấp nhận thanh toán cả bằng thẻ lẫn dùng tiền mặt. Việc này cực kỳ quan trọng vì người dân hầu hết các nước trong khu vực thích dùng tiền mặt hơn. Trong khi đó, Uber hơi chậm trong việc cho thanh toán không dùng thẻ.
Ở một vài thị trường, Grab thậm chí hợp tác với các hãng sản xuất điện thoại để trợ cấp cho tài xế khi mua smartphone. Hãng cũng phối hợp để đào tạo đội ngũ lái xe sử dụng ứng dụng do nhiều tài xế kinh tế khó khăn và chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ.
Sự hợp nhất giữa Grab và Uber ở Đông Nam Á không phải là ý tưởng mới. Năm ngoái, nhà mạng Nhật Bản Softbank đã bơm hàng tỷ USD vào Uber để có được tiếng nói trong công ty này. Sau thương vụ, có nhiều đồn đoán cho rằng hai hãng gọi xe này sẽ về một nhà, vì đại diện Softbank cũng có chân trong ban điều hành của Grab.
“Softbank sẽ đóng vai trò hợp nhất”, nguồn tin thân cận với Grab nói hồi năm ngoái. Nguồn tin này cũng cho rằng, với việc Softbank có chân trong ban giám đốc của cả hai hãng gọi xe, việc đàm phán giữa hai bên có thể tiến triển tốt hơn.
Tờ Independent phiên bản Singapore cho biết nếu có hợp nhất, Grab và Uber vẫn sẽ tồn tại như hai ứng dụng riêng biệt, nhưng phần vận hành phía sau sẽ gom thành một. Điều này có nghĩa là những khuyến mại, các chương trình giảm giá có thể sẽ bị cắt giảm.
Việc chuyển giao thị trường Đông Nam Á cho Grab có thể giúp Uber tập trung hơn vào các khu vực khác có lợi nhuận tốt hơn.
Tuy nhiên, Dara Khosrowshahi - CEO Uber - hồi tháng 11/2017 cho biết việc sáp nhập giữa hai bên khó có thể xảy ra. Ông cũng nói rằng khu vực này đang được rót vốn rất mạnh để tăng trưởng và việc thay đổi kế hoạch sẽ không xảy ra trong tương lai gần.
Sự hợp nhất giữa hai công ty tiêu biểu nhất trong việc gọi xe có thể có lợi cho họ trong việc tiết kiệm chi phí vận hành và tập trung nguồn lực, tuy nhiên người dùng có thể không hưởng lợi do khi không còn đối thủ cạnh tranh, giá cước có thể tăng lên.