Gói 30.000 tỷ: “Không thể giải ngân nhanh”
Tại phiên thường kỳ Chính phủ tháng 6/2013 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng không thể giải ngân nhanh gói tín dụng 30.000 tỷ.
Chiều 27/6, báo cáo trước Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến hết tháng 3/2013, giá trị tồn kho bất động sản đạt hơn 125 nghìn tỷ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ khoảng 65 nghìn tỷ, đất nền khoảng 60 nghìn tỷ.
Người đứng đầu ngành xây dựng nhận định, điều đó cho thấy, khoảng chục năm trở lại đây, bất động sản chủ yếu tập trung đầu tư vào sản phẩm cao cấp.
Để tháo gỡ khó khăn, bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu khắc phục lệch pha cung cầu. Do đó, hướng sản phẩm bất động sản đến với người tiêu dùng, phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng người dân khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng không thể giải ngân nhanh gói tín dụng 30.000 tỷ.
“Chính phủ yêu cầu gắn tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với thực hiện chiến lược nhà ở. Trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nếu phát triển nhà ở xã hội, sản phẩm chắc chắn đến được người tiêu dùng và giúp tăng trưởng GDP”, Bộ trưởng nói.
Chính phủ cho thực hiện đồng bộ giải pháp về mặt thể chế, chính sách tín dụng, tài khóa, thuế... Trong đó, có điều chỉnh cơ cấu sản phẩm liên quan trực tiếp đến vai trò địa phương.
“Nếu địa phương quyết liệt tạo mọi điều kiện cho cho doanh nghiệp và chủ đầu tư chuyển đổi cơ cấu, thì các dự án mới, trong đó các dự án nhà ở xã hội sẽ được thực hiện nhanh chóng”, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đã có hướng dẫn để giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Ví dụ để chuyển mục đích dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, trước đây phải gửi văn bản đến tất các sở ban ngành xin ý kiến; sau đó tập hợp lại, trình UBND cấp tỉnh quyết định. Nhưng bây giờ, chỉ cần Sở Xây dựng tổ chức một hội nghị, các sở liên quan tham gia; lấy ý kiến chính thức trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nhu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn. Từ nay tới 2020, riêng hai thành phố lớn là Thành phố HCM và Hà Nội cần trên 200.000 căn hộ; khối cán bộ, công chức, viên chức bộ ban ngành đăng ký gần 30.000 căn.
Nói về gói tín dụng 30.000 tỷ, Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là gói cho vay đầu tư và thuê mua nhà ở xã hội và thương mại giá thấp cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp...
“Đây là gói tín dụng trung hạn. Bởi gói này gắn liền với có nhà ở xã hội không? có nhà thương mại giá thấp không? Hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà đầu tư nhà ở xã hội. Do vậy, không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Dũng đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện nhanh nhất cho người dân vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp để tiếp cận dễ dàng với gói tín dụng này.