Gói 30.000 tỷ: Chứng minh khả năng trả nợ thế nào?

Gói 30.000 tỷ đồng để người thu nhập thấp có thể vay được thì họ phải chứng minh được khả năng trả nợ ngân hàng. Vậy, làm thế nào để chứng minh được khả năng trả nợ?

Thời gian vừa qua đã xảy ra khá nhiều tranh cãi trong thủ tục vay vốn của gói tín dụng hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng.

Trong đó điều khiến cho dư luận khá bức xúc đó là chuyện chứng minh thu nhập đối với người vay.

Theo như quy định của Bộ Xây dựng những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng sẽ được xem là người thu nhập thấp và là đối tượng để vay vốn gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng khi đến các ngân hàng thực hiện thủ tục vay vốn không ít khách hàng đã nhận được cái “lắc đầu” từ phía nhân viên ngân hàng bởi họ “sợ” khách hàng không đủ khả năng để trả nợ.

Tuy nhiên, mới đây theo chia sẻ của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, những vướng mắc về thủ tục giấy tờ phần lớn có sự hiểu nhầm của đối tượng vay chứ ngân hàng thực tình không làm khó. Các ngân hàng cũng chỉ đang thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc cho vay gói hỗ trợ.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho hệ thống họ mới phải đưa ra một số điều kiện để đảm bảo trong quá trình cho khách hàng vay vốn tránh tăng nợ xấu cho ngân hàng.

Gói 30.000 tỷ: Chứng minh khả năng trả nợ thế nào? - 1

Những người thu nhập dưới 9 triệu đồng nếu như họ có thể chứng minh được khả năng trả nợ, thì các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng thương mại khẳng định không hẳn là những người thu nhập dưới 9 triệu đồng thì không được vay vốn, nếu như họ có thể chứng minh được khả năng trả nợ, thì các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay.

“Ví dụ, hai vợ chồng làm ra 10 triệu đồng, chỉ tiêu pha hết 2 triệu/tháng, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Ngược lại, làm ra 10 đồng nhưng xài hết 8 đồng thì ngân hàng buộc phải từ chối vì khách hàng “làm chỉ đủ ăn”, lấy tiền đâu trả nợ?” – vị này khẳng định.

Có cùng quan điểm trên, Tổng giám đốc SeaABank Đặng Bảo Khánh cũng chia sẻ, khi cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án, ngân hàng cũng muốn cho người mua nhà vay chứ không muốn làm khó. Tuy nhiên, trong thời gian qua có nhiều trường hợp ngân hàng không thể xét duyệt cho vay được do thu nhập quá thấp, không đảm bảo khả năng trả nợ.

“Nhiều người đi vay cứ có suy nghĩ, vốn vay gói 30.000 tỷ đồng là tiền của Nhà nước, nhưng thật chất đó là tiền gửi của dân. Nếu xét duyệt và thẩm tra không kỹ, để xảy ra nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu hậu quả. Do đó, chỉ những trường hợp đủ điều kiện về thu nhập thì mới được ngân hàng xét”- ông Khánh chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, nếu theo quy định của Bộ Xây dựng về đối tượng thu nhập thấp, những đối tượng này sẽ khó có khả năng trả nợ gốc và lãi vay trong vòng 10 - 15 năm theo quy định. Do đó, các ngân hàng không thể cho vay được.

Được biết sau gần 2 năm được triển khai, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng này mới chỉ giải ngân được hơn 16%. Trong khi đó, mục tiêu ban đầu đề ra là gói tín dụng này sẽ kết thúc sau ba năm, hoàn tất việc giải ngân vào ngày 1/6/2016.

Làm sao chứng minh được khả năng trả nợ?

Như vậy, chỉ cần khách hàng chứng minh được mình tiêu ít tiền hơn thu nhập và số tiền trả nợ phù hợp với tỷ lệ vay vốn thì NH lập tức giải ngân. Người vay ngay lập tức có nhà với những thủ tục đơn giản.

Cụ thể, giám đốc một NH nằm trong danh sách cho vay gói 30.000 tỷ đồng cho rằng, việc đầu tiên người vay nên tìm đến NH trước để được tư vấn về những dự án mà NH có liên kết. Bởi những dự án này NH đã làm việc với chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư đã bảo lãnh thì việc cho vay vốn cùng dễ dàng.

Gói 30.000 tỷ: Chứng minh khả năng trả nợ thế nào? - 2

Gói 30.000 tỷ sẽ dễ dàng vay nếu bạn chứng minh khoản chi so với thu nhập không quá cao và thể hiện được khả năng trả nợ...

Ví dụ, BIDV đang liên kết với nhiều công ty địa ốc để xây dựng dự án nhà ở xã hội. Trước đây, chủ đầu tư và phía NH nảy sinh việc DN đã mang dự án bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai ra thế chấp NH. Theo đó chủ đầu tư chào sản phẩm để bán cho khách hàng. Với hình thức này, NH sẽ khó tiếp nhận hồ sơ nên câu chuyện người vay không tiếp cận được vốn 30.000 tỷ xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay, BIDV đã có những giải pháp tháo gỡ vấn đề này để người dân vay vốn dễ hơn. Theo đó, NH sẽ tư vấn cho chủ đầu tư xem xét lại cơ cấu nguồn vốn phân bổ sau khi điều chỉnh theo dự toán để cân đối tỷ trọng vốn hợp lý giữa nguồn vốn huy động từ khách hàng với nguồn vốn đầu tư dự án.

“Và khi chủ đầu tư đáp ứng điều kiện theo phê duyệt về tỷ lệ vốn tự có trên vốn vay và nguồn vốn huy động của người mua nhà của DN. Khi đó, DN có thể đứng ra làm đầu mối bảo lãnh cho các khách hàng mua căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội có điều kiện thuận lợi, nhanh chóng được tiếp cận với vốn vay lãi suất 5%/năm của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng”, vị lãnh đạo trên khẳng định.

Về phía người vay mua nhà, chỉ cần chuẩn bị những hồ sơ quan trọng như: chứng minh là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá nhỏ (thấp hơn 8m2 sử dụng/người). Chuẩn bị hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội (tức KT3) thì từ 1 năm trở lên. Có đủ vốn tự có tham gia vào phương án vay vốn, tối thiểu 30% giá trị nhà mua. Chứng minh khoản chi so với thu nhập không quá cao và thể hiện được khả năng trả nợ...

Dựa trên những cơ sở có được, NH sẽ thẩm định hồ sơ và tiến hành giải ngân cho vay tối đa 80% giá trị nhà mua và thời hạn tối đa là 15 năm. Lãi suất cho vay duy trì ở mức 5%/năm. Lãi suất các năm tiếp theo thực hiện trên cơ sở quy định của NHNN từng thời kỳ nhưng không vượt quá 6%, theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN.

Có thể trên đây mới chỉ là một điểm lý giải vướng mắc của người vay gói 30.000 tỷ. Còn rất nhiều chi tiết cần được NH nói rõ để người vay sớm được giải ngân. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với nhiều giải pháp, trong năm 2015 tiến độ giải ngân chương trình sẽ tiếp tục tăng lên và người lao động sẽ có nhiều cơ hội sở hữu nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN