Gỡ rối cho nợ xấu từ đâu?

Mặc dù nợ xấu của hệ thống NH theo báo cáo của NHNN đến hết tháng 3/2016 vẫn duy trì ở mức dưới 3% (2,62%) nhưng sâu xa, có nhiều vấn đề các NH đang phải đau đầu giải quyết ví như khúc mắc trong xử lý tài sản bảo đảm. Chưa kể nguy cơ nợ xấu mới phát sinh vẫn còn hiện hữu.

Gỡ rối cho nợ xấu từ đâu? - 1

Theo báo cáo của NHNN, đến hết tháng 3/2016, nợ xấu vẫn duy trì ở mức dưới 3%

Nợ xấu tồn kho còn nhiều

Trên thực tế đến thời điểm này, có một khoản nợ lớn các NH đang nằm tại công ty khai thác xử lý tài sản (VAMC) và tốc độ xử lý số nợ này còn chậm. Lũy kế từ năm 2013 đến 18/6/2016, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 31.172 tỷ đồng. 

Trong khi đó, tính từ 1/10/2013 đến 18/6/2016, VAMC đã mua được 24.618 khoản nợ với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng TPĐB là 211.993 tỷ đồng. Nếu so với số nợ xấu mà công ty này đã mua thì số nợ thu hồi kia cũng chỉ muốn bỏ bể. Chưa kể nguy cơ nợ xấu mới phát sinh vẫn còn hiện hữu.

Ai cũng biết, trong giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng, để cho vay được nhiều, nhiều cán bộ tín dụng NH đã thổi phổng giá trị tài sản thế chấp lên. Nên có không ít tài sản trên sổ sách của NH cách xa giá trị thực tế. Bây giờ các NH muốn xử lý số tài sản này chủ yếu là bất động sản chắc chắn giá rất thấp do thị trường bất động sản sụt giảm. Như vậy không thể tránh được những thất thoát. Thất thoát này xảy ra thì NH bán tài sản có bị quy trách nhiệm hay không…

Đó cũng là lý do dù con nợ đã chết lâm sàng nhưng NH vẫn nuôi nợ, vì không dám thanh lý tài sản do sợ thất thoát. Nên có tình trạng có con nợ lãi còn cao hơn cả vốn vay. “Muốn xử lý nợ xấu mà không để thiệt hại, không mất đồng vốn lại hình sự hóa quan hệ kinh tế thì quả thực NH khó trăm bề”, Phó tổng giám đốc một NHTMCP bày tỏ.

Ngay cả như VAMC, dù được bổ sung thêm nhiều quyền nhưng quyền tự quyết đối với tài sản đảm bảo chưa đầy đủ cũng khiến công ty này “chùn tay” khi xử lý nợ.

 “Bản thân VAMC cũng không dám bán giá thấp do sợ thất thoát vì công ty này chưa có cơ chế rõ ràng hay quyền tự quyết bán tài sản đảm bảo mà vẫn chờ vào sự hợp tác của các con nợ”, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ. 

Lãnh đạo một NH than khó: Tài sản đảm bảo của khách hàng tại NH chủ yếu là BĐS. Trong khi đó quy trình để xin cấp giấy chứng nhận hay chuyển quyền giấy chứng nhận nhà đất rất rắc rối và mất nhiều thời gian. Chưa kể từ lúc NH khởi kiện đến lúc thi hành án một bản án quá lâu nên việc xử lý khoản nợ xấu gặp vô vàn khó khăn.

Mấu chốt là xử lý tài sản

Nút thắt tài sản chỉ được tháo gỡ khi các Luật liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Thi hành án… được sửa đổi. Nhưng theo một chuyên gia NH, “chờ được vạ, má đã sưng”. 

Bởi nếu chờ sửa đổi từng Luật thì thời gian xử lý nợ xấu sẽ phải kéo dài trong rất nhiều năm và tổn thất sẽ là không nhỏ. Ở góc độ kinh tế, cái giá phải trả đúng lúc thì bao giờ cũng rẻ hơn là trả muộn. Một khi chưa xử lý xong nợ xấu, NH cũng không thể hoạt động bình thường, không có điều kiện tiết giảm chi phí điều chỉnh giảm lãi suất hỗ trợ DN, nền kinh tế… 

Về phía con nợ, không ít tài sản đảm bảo của doanh nghiệp là nhà xưởng, máy móc. Nếu những nhà máy đó đang hoạt động buộc phải tạm ngừng thì sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm người lao động. Đó là những tổn thất không đáng có.

Thay vì quy trách nhiệm, một chuyên gia NH cho rằng,  để NH mạnh dạn thanh lý tài sản nên phân định, đánh giá rõ khoản nợ nào do yếu tố khách quan gây ra thiệt hại nhất định, và không có hành vi trục lợi, cố ý làm sai, trái thì nên chấp nhận những thất thoát này. Và coi tổn thất đó là rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

“Đã rất nhiều lần tôi đề xuất với Chính phủ cần phải rà soát lại những bất cập trong các Luật ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu nhưng đến thời điểm này mọi thứ vẫn chưa có động thái”, TS Trần Du Lịch tỏ ra lo lắng. Đồng thời ông chỉ rõ, những quy định bất hợp lý trên phải được sớm tổng hợp kiến nghị trên nghị trường Quốc hội xử lý bằng pháp luật mới giải quyết được nếu không cứ sẽ mãi nhùng nhằng như hiện tại.

TS Nguyễn Trí Hiếu đồng tình quan điểm muốn xử lý nhanh nợ xấu thì chúng ta phải trả lời được câu hỏi liệu người mua có toàn quyền đối với khoản nợ, tài sản bảo đảm đó không. 

Và để trả lời câu hỏi này thì những vướng mắc liên quan đến bộ Luật cần phải được tháo gỡ. Nhưng vị này cũng khẳng định quan điểm: không thể chờ từng Luật sửa đổi mà cần ban hành một Luật riêng với cơ chế đặc thù cho VAMC để công ty này mạnh tay xử lý số nợ lớn đang ứ đọng tại đây. Có như vậy mới đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Thời gian gần đây, tuy Chính phủ đã hỗ trợ rất tích cực VAMC thúc đẩy xử lý nợ xấu như Nghị định 34 bổ sung sửa đổi Nghị định 53, Nghị định 18/2016 và mới đây nhất là Thông tư 08 của NHNN nhưng kết quả xử lý nợ xấu chưa được như kỳ vọng. Tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, tuy thị trường khó khăn nhưng thu hồi, xử lý nợ xấu của NH này vẫn đang khá tích cực. Kinh nghiệm trên thực tiễn, để thu hồi nợ tốt, ngoài cơ chế giám sát chặt chẽ, thì NH phải linh hoạt, sáng tạo nhiều phương pháp phù hợp với tình hình thị trường, hiện trạng khách hàng và NH. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN