Gỡ nút thắt xử lý nợ xấu

Sự kiện: Kinh Doanh

Một nội dung được thị trường tài chính và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng nhiều tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV khai mạc hôm nay (22-5) là Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu

Qua hơn 4 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), ngành ngân hàng vẫn chưa thể xử lý có hiệu quả và dứt điểm "cục máu đông" nợ xấu vì thiếu hành lang pháp lý.

Nguy cơ nợ xấu tăng

Theo tờ trình của Chính phủ, cuối năm 2015, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng là 131.088 tỉ đồng, chiếm 2,55% tổng dư nợ tín dụng. Từ năm 2013-2015, các TCTD đã xử lý được 493.090 tỉ đồng nợ xấu, trong đó 288.900 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý triệt để bằng chi phí của ngành ngân hàng và các nguồn thu hồi khác, khẳng định nhất quán chủ trương không sử dụng trực tiếp tiền ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Gỡ nút thắt xử lý nợ xấu - 1

Việc xử lý nợ xấu đang bộc lộ nhiều khó khăn Ảnh: Tấn Thạnh

Việc xử lý một khối lượng lớn nợ xấu trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đưa lãi suất cho vay hiện nay chỉ bằng khoảng 50% lãi suất cho vay vào cuối năm 2011 và thấp hơn lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006. Đồng thời, góp phần để tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh dần và liên tục từ năm 2012 đến nay, từ mức 8,85% năm 2012 lên khoảng 18% năm 2015.

Được thành lập năm 2013, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua 207.400 tỉ đồng nợ xấu (tính đến cuối năm 2015) bằng trái phiếu đặc biệt của 235.000 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng. Trong đó, VAMC đã cùng các TCTD xử lý được 22.150 tỉ đồng (bằng 10,65% nợ xấu đã mua).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình xử lý nợ xấu đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc lớn. Trong đó, đáng lưu ý là nguy cơ nợ xấu tăng trở lại. Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Cơ quan soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá nguyên nhân chính và chủ yếu là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện.

Sợ rủi ro, cán bộ xin nghỉ việc

Vấn đề này cũng được nêu đậm nét trong tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

NHNN nhìn nhận việc khuôn khổ pháp lý xử lý ngân hàng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho NHNN và cán bộ xử lý trực tiếp khi nghiên cứu, tìm hiểu các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng. Trong đó, bao gồm cán bộ tham mưu của NHNN, nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng vừa qua. Trên thực tế, không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm cả việc tham gia ban kiểm soát đặc biệt (BKSĐB), do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước rủi ro pháp lý. Vì thế, đã tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý các TCTD yếu kém.

Từ thực tế này, dự thảo luật đã quy định cán bộ, công chức, thành viên BKSĐB, người của TCTD được NHNN chỉ định tham gia thực hiện phương án tái cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án tái cơ cấu khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cần hỗ trợ cơ chế

Theo NHNN, trước khi có chủ trương xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nợ xấu của các TCTD tích tụ rất lớn nhưng chưa được đánh giá, phân loại và phản ánh đầy đủ để đưa ra giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra hôm 17-5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kỳ vọng Quốc hội thông qua nghị quyết xử lý nợ xấu để áp dụng từ tháng 7 năm nay, từ đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ quan trọng để xử lý triệt để nợ xấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN