Gỡ khó tiếp cận vốn ngân hàng

Trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của TP HCM, chỉ vỏn vẹn có 650 đơn vị đã tiếp cận được vốn ưu đãi của ngân hàng trong suốt tháng đầu tiên thực hiện trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên. Câu chuyện về doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng đã trở thành đề tài nóng bỏng và đang gây ra bức xúc hiện nay.

Đây cũng là nội dung chính được đặt ra tại buổi tọa đàm: Gặp gỡ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các ngân hàng TP.HCM được tổ chức ngày 6/7, tại TP.HCM.

Trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của TP HCM, chỉ vỏn vẹn có 650 đơn vị đã tiếp cận được vốn ưu đãi của ngân hàng trong suốt tháng đầu tiên thực hiện trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên.

Do không tiếp cận được nguồn vốn vay, đã có nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc phải chấp nhận đi vay nóng để giải quyết những thương vụ nhỏ, còn đầu tư cho những dự án khả thi thì doanh nghiệp không có vốn…Tại buổi tọa đàm gặp gỡ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các ngân hàng TP.HCM, đã có nhiều ý kiến, đại diện cho các doanh nghiệp bày tỏ sự bức xúc của mình trước tình trạng trên.

Ông Cao Xuân Hải – Tổng giám đốc Công ty TNHH TM - XD Hải Tâm - Trung tâm SAIGONDEP cho biết: “Từ chủ trương đi đến kế hoạch để triển khai thực hiện cụ thể là một con đường chông gai. Doanh nghiệp hiện nay đang yếu lắm rồi. Người ta không còn đủ sức để mà kéo dài như thế nữa. Hãy làm cái gì đó thiết thực cho họ hơn.” Đây không chỉ là bức xúc của riêng cá nhân ông Hải mà đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, họ đã gặp rất nhiều khó khăn về các thủ tục, về các yêu cầu để có thể tiếp cận được vốn vay.

Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp, lãnh đạo các ngân hàng khẳng định, đa số các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện mà ngân hàng đưa ra.

Theo ông Phạm Linh – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông thì các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng là do đa số báo cáo tài chính của họ không minh bạch, rất là nhiều doanh nghiệp không có hệ thống kế toán rõ ràng theo dõi sát sao số liệu. Ông Phạm Linh đưa ví dụ: “Như khoản phải thu doanh nghiệp thì cả chủ doanh nghiệp cũng không nắm chặt được là chất lượng khoản phải thu như thế nào. Doanh nghiệp như vậy không dễ dàng tiếp cận với ngân hàng”.

Cũng theo ông Linh, Ngân hàng có những đánh giá rất chi tiết, cụ thể về những rủi ro tài sản mà người doanh nghiệp cầm trên tay. Nếu doanh nghiệp lưu ý đến việc này về vấn đề tài chính, số liệu, đặc biệt là tìm kiếm nguồn ra thì việc vay vốn ngân hàng không khó khăn như các doanh nghiệp đề cập.

Phát biểu bên lề buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó giám đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM đánh giá: Để doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau, nắm bắt những khó khăn và giải quyết những khó khăn chúng ta cần phải ra một sản phẩm cụ thể để các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận được với nhau.

Mặc dù, đây là lần đầu lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp có một buổi gặp gỡ cụ thể được tổ chức sâu rộng. Nhưng đây là hành động mang tính cầu nối, giúp tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ, hợp tác và tin cậy lẫn nhau giữa doanh nghiệp và ngân hàng, cùng nhau hợp lực để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN