Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô cùng cấp bách
Nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi và đối tượng hỗ trợ phải căn cứ vào nguồn lực, nên thiết kế theo hướng hỗ trợ cơ bản, tập trung vào các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện của từng nội dung hỗ trợ chứ không thực hiện tràn lan.
Chiều 9/1, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DNNVV là vô cùng cấp bách để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, ông đề nghị chỉ đưa vào dự thảo Luật những nội dung phù hợp có tính ổn định đã được tổng kết thực tiễn. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo phải hoàn tất toàn bộ các văn bản mà dự thảo Luật giao Chính phủ quy định trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hỗ trợ DNNVV phải thiết thực, khả thi, tránh tràn lan
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý quy định về phạm vi và đối tượng hỗ trợ phải căn cứ vào nguồn lực, nên thiết kế theo hướng hỗ trợ cơ bản, tập trung vào các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện của từng nội dung hỗ trợ chứ không thực hiện tràn lan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, một luật mà đẻ ra 5-6 loại quỹ là không ổn. Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách cho vay là không đúng nguyên tắc. Quy định về thuế trong dự thảo không được phá vỡ hệ thống chính sách thuế của chúng ta. Ngoài ra, với hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên cần tính toán nguồn lực hỗ trợ có khả thi hay không, vì phạm vi như dự thảo quá rộng.
Liên quan đến vấn đề thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phải đánh giá tác động theo tư duy mới, rằng nếu cái này là “con gà đẻ trứng vàng”, nhà nước thất thu một lượng thuế nhất định nhưng tạo điều kiện sản xuất và mang đến nguồn thu lớn hơn thì cần quy định.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn cho rằng, nhiều quy định nghe thì rất hay nhưng khó khả thi. Ví dụ quy định, HĐND tuỳ điều kiện quyết định hỗ trợ nhưng phần lớn các địa phương còn phải chờ hỗ trợ từ ngân sách trung ương nên lấy đâu ra nguồn? Hay về đất đai, mặt bằng, nhà nước chỉ quy hoạch còn doanh nghiệp làm, sao bắt doanh nghiệp này làm để hỗ trợ doanh nghiệp khác được?
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức hội nghị chuyên trách để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo luật và khi đủ điều kiện mới trình Quốc hội.