Giúp dân từ bỏ thói quen trữ vàng

Giải pháp căn cơ nhất là điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả nhằm xây dựng niềm tin đối với đồng nội tệ, sau đó giúp người dân từ bỏ thói quen trữ vàng.

Trong mấy ngày qua, giá vàng trong nước tiếp tục cao hơn giá thế giới từ 3 - 4 triệu đồng/lượng nhưng sức mua trên thị trường vẫn rất thấp.

Sợ cả mua và bán

Khi thấy giá vàng trong nước luôn cách biệt khá lớn so với giá vàng thế giới quy đổi, nhiều người thắc mắc giá vàng được thiết lập từ đâu. Một chuyên gia về vàng cho biết trước đây, một số doanh nghiệp (DN) vàng lợi dụng chức năng kinh doanh vàng trong giấy phép để môi giới, tổ chức các sàn giao dịch, liên kết làm giá và đầu cơ trên thị trường để trục lợi. Hiện tượng “giật - đẩy - ghìm” giá có chủ đích của nhóm lợi ích đã đẩy chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới ngày càng cao.

Giúp dân từ bỏ thói quen trữ vàng - 1

Khách hàng mua vàng tại SJC. Nếu tỉ giá ngoại tệ và giá vàng ổn định thì việc giữ tiền đồng có lợi hơn.

Thị trường vàng trong nước thường xảy ra hiện tượng cung cầu không gặp nhau. Khi người dân đem vàng đến bán nhiều thì các DN vàng không dám mua nhiều (trừ một số công ty vàng lớn). Ngược lại, khi lực mua tăng mạnh thì DN vàng lại không dám bán nhiều… Nguyên nhân xuất phát từ việc giá vàng trong nước không liên thông với giá thế giới, chênh lệch lúc cao lên đến 4 -5 triệu đồng/lượng. Nếu giá trong nước sát giá thế giới, các DN vàng sẵn sàng mua để bán sau, hoặc bán trước mua sau. Nhưng vì có sự cách biệt lớn khiến nhà đầu tư và DN vàng không biết lực bán - mua thực sự trên thị trường nên khó dự đoán, vì vậy họ sợ cả mua và bán, làm cho thị trường nhiều lúc rối loạn.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), khi giá vàng thế giới xuống nhanh, giá trong nước thường theo không kịp, đẩy biên độ chênh lệch giá dãn ra và tăng dần. Thời gian gần đây, giá vàng trong nước tách rời với giá vàng thế giới.

Gửi vàng không được hưởng lãi suất


Mấy năm trước, thời điểm cuối và đầu năm,  người dân mua vàng nhiều nhưng hiện nay khác hẳn, người dân mua vàng ít. Ông Nguyễn Công Tường cho biết bình quân mỗi ngày SJC mua vào 1.400 lượng nhưng bán ra chỉ 400-500 lượng vàng. Bên cạnh việc ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, điều này còn do thị trường vàng đang được Ngân hàng Nhà nước đưa vào kiểm soát chặt chẽ để chống vàng hóa và nâng cao giá trị đồng tiền. Thông tư 38/2012/TT-NHNN (28-12-2012) quy định từ ngày 10-1, việc mua bán vàng miếng sẽ tập trung vào những đơn vị được cấp phép gồm 31 đơn vị (tới đây sẽ thêm 4 đơn vị nữa) với mạng lưới kinh doanh là 2.456 điểm trên cả nước.

Việc tiếp tục chuyển hóa vàng thành tiền trong dân bằng công cụ lãi suất tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước sử dụng. Hiện nay, người dân gửi vàng không được hưởng lãi suất, trong khi gửi tiền đồng được hưởng lãi 8%/năm cho kỳ hạn ngắn và trên 10%/năm cho kỳ hạn dài. Nếu tỉ giá ngoại tệ và giá vàng ổn định thì việc giữ tiền đồng có lợi kinh tế hơn. TS Lê Đạt Chí cho rằng rất khó tìm giải pháp tối ưu huy động vàng trong dân. Giải pháp căn cơ nhất là điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả, nhằm xây dựng niềm tin đối với đồng nội tệ, sau đó có thể người dân sẽ từ bỏ thói quen trữ vàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG ANH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN