Giữ lãi suất USD 0%, dòng vốn Việt sẽ “chạy” ra nước ngoài?
“Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0% với tiền gửi USD, rất nhiều khả năng sẽ có một số vốn sẽ tuồn ra nước ngoài, đầu tư trên thị trường thế giới để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ có chịu nhiều áp lực về tỷ giá” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Giữ lãi suất USD 0%, dòng vốn Việt sẽ “chạy” ra nước ngoài?
Chia sẻ tại tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” diễn ra chiều ngày 22.7, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá từ đầu năm 2016 tới giờ khá ổn định, giúp giữ vững niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Song trong nửa cuối năm 2017, Việt Nam đồng sẽ chịu nhiều áp lực tăng tỷ giá.
TS. Nguyễn Trí Hiếu lo lắng một số vốn sẽ tuồn ra nước ngoài nếu tiếp tục giữ lãi suất 0% với USD
“Nếu FED tăng lãi suất tháng 9 hoặc 12 tới, lãi suất đồng USD trên thị trường sẽ tăng. Lãi suất Libor hiện ở mức 1,25%, nhưng con số này có thể tăng tiếp 0,25%.
Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0% với tiền gửi USD, rất nhiều khả năng sẽ có một số vốn sẽ tuồn ra nước ngoài, đầu tư trên thị trường Thế giới để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ có chịu nhiều áp lực về tỷ giá.
Ngoài ra, nhập siêu từ giờ đến cuối năm nay sẽ cao hơn. Đến thời điểm nào đó thích hợp thì tôi cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh lãi suất đồng USD”.
Trước đó, trao đổi với Dân Việt xung quanh vấn đề tăng lãi suất tiền gửi USD, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank tỏ ra lo lắng: “Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất liên tiếp vài lần, mỗi lần 0,25%. Hiện nay, nếu chúng ta vẫn duy trì mức lãi suất huy động 0% với USD là khá khó bởi khi gửi tiền mà nó không sinh lời thì khách hàng sẽ không muốn gửi nữa. Đối tượng gửi chỉ đơn giản vì lý do giữ tiền rất ít, bởi họ có thể giữ tiền ở nhà. Ngoài ra, chênh lệch giữa tiền gửi Việt Nam và ngoại tệ lên tới 6%”.
Theo ông Hưng, Nếu NHNN có chủ chương điều chỉnh tăng lãi suất huy động với USD, ông sẽ ủng hộ chủ chương này. Và việc tăng lãi suất tiền gửi USD lên bao nhiêu % có thể dựa vào mặt bằng lãi suất Libor, đây là mức lãi suất được thừa nhận ở nhiều nơi trên Thế giới. Lãi suất ở Việt Nam có thể nằm gần mức lãi suất này.
Tương tự ông Hưng, ông Lê Thành Trung – Phó TGĐ HDBank cho rằng: “Những nguồn vốn nhàn rỗi từ dân, dù dưới dạng USD hay một tài sản nào khác cũng là điều tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng để tránh rơi vào tình trạng đô-la hóa nền kinh tế.
Việc điều chỉnh tăng lãi suất USD lên bao nhiêu hay không tăng lãi suất phụ thuộc vào cung – cầu trên thị trường. Rất khó để nói là nên đặt mức lãi suất là 0,5% hay 1% vì trên thế giới có nhiều nước lãi suất USD là 0%, nhưng cũng có nước lãi suất là 1%. Đây hoàn toàn là bài toán của nhà điều hành”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty CPCK Sài Gòn (SSI) lại cho rằng NHNN vẫn nên tiếp tục kiên trì với chính sách giữ mức lãi suất 0% với ngoại tê, còn lãi suất VND sẽ tùy thuộc và diễn biến thị trường và khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng nên tiếp tục duy trì lãi suất USD 0%
Ông Linh nói: “Lãi suất huy động hiện tại với VND đang ở mức từ 6 – 7%/năm, còn lãi suất USD vẫn là 0%. Nếu tăng lãi suất USD lên cao, thị trường Việt Nam sẽ quay lại tình trạng đô-la hóa. Đây là điều chúng ta cần tránh.
Chính sách giữ lãi suất USD 0% trong thời gian qua là hoàn toàn đúng, nó kích thích người dân, doanh nghiệp bán USD để sử dụng Việt Nam đồng. Kết quả là tăng nguồn cung USD, giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Phải ưu tiên cho việc bảo vệ Việt Nam đồng bằng việc giữ vững lãi suất USD ở mức 0%.
Các giải pháp mang tính điều hành như kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng là những công cụ giúp chúng ta kiểm soát lãi suất huy động tiền”.
Ngoài ra, ông Linh đề xuất, lãi suất tiền gửi USD vẫn là 0%, còn các cơ quan quản lý, điều hành sẽ cân nhắc những sản phẩm mới để thu hút dòng tiền nước ngoài, kiều hối.
Những người ở nước ngoài vẫn lo lắng rằng lãi suất ở Mỹ tăng lên thì Việt Nam đồng không chỉ mất giá 2% mà có thể hơn. Đó là những biến số không kiểm soát được, họ sẽ chọn phương án an toàn là để tiền lại Mỹ. Nhưng đây chỉ là một phần, kiều hối từ Mỹ về Việt Nam vẫn rất nhiều.
Để huy động thêm tiền từ những nhà đầu tư mang tâm lý thận trọng, sợ Việt Nam đồng mất giá thì chúng ta cần những sản phẩm chuyên dùng để huy động ngoại tệ như trái phiếu kiều hối do các NHTM phát hành.
Khi Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất 1%, thì trái phiếu kiều hối Việt Nam sẽ là 1,5%. Kiều bào có thể gửi USD ở Việt Nam với lãi suất cao hơn, không phải gửi tiền ở Mỹ nữa.