Giật mình khi nợ xấu của các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh
Nhiều ngân hàng báo lãi khởi sắc nhưng cùng với đó là nợ xấu cũng gia tăng mạnh.
Nhiều ngân hàng báo lãi khởi sắc
9 tháng năm 2018, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng không “thoải mái”, do không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room như những năm trước.
Hiện tại, 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng. Các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất là VIB (175%), ACB (147%), EIB (142%), TPB (109%).
Trong đó, Vietcombank giữ vị trí đầu bảng với lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Techcombank với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Xếp thứ ba về lợi nhuận là VietinBank với lũy kế 9 tháng đạt 7.596 tỷ đồng trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng...
Nợ xấu bất ngờ tăng mạnh
Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng qua nổi lên một “điểm tối”, đó là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.
Dư nợ xấu tại 23 ngân hàng tính đến cuối quý III. Đơn vị: tỷ đồng
Trong số 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có 13 nhà băng tăng tỷ lệ nợ xấu. Trong đó, một số cái tên có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh là: VPB tăng từ 4,07% quý 2 lên 4,7% quý 3, VIB tăng từ 2,33% lên 2,5%, BID tăng từ 1,49% lên 1,76%, CTG tăng từ 1,29% lên 1,36%.
Cụ thể, trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước, nợ xấu cuối quý 3 của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018.
Tỷ lệ tăng dư nợ xấu của các ngân hàng tại thời điểm cuối quý 3 so với đầu năm. Đơn vị: %
Còn tại BIDV, tính đến hết quý 3, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Tương tự, Ngân hàng Quân đội mặc dù có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tượng, nhưng số dư nợ xấu của ngân hàng này cũng ghi nhận sự tăng vọt. Cụ thể, nợ xấu của MB sau 9 tháng đầu năm tăng đến 45% so với hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng so với đầu năm. Đỏ: 30/9/2018; Xanh: 31/12/2017. Đơn vị: %
Đối với các ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank dẫn đầu mức tăng nợ xấu với hơn 3.200 tỷ (tương đương 51,7%) lên 9.401 tỷ đồng. Tại ngân hàng VIB, tính đến hết tháng 9/2018, nợ có khả năng mất vốn tăng lên hơn hơn 7% so với cuối 2017. Với ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng….
Một số ngân hàng có nợ xấu sụt giảm đó là Sacombank, Eximbank, ABBank và NamABank.
Theo lý giải của nhiều nhà băng, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Chi hàng trăm tỷ để mua cổ phần tại SBT, bà Đặng Huỳnh Ức My đang từng bước thâu tóm doanh nghiệp mía đường số 1...