Giao dịch ATM tăng dần
Ngày 31-1, theo khảo sát của phóng viên, chưa xảy ra quá tải tại các máy ATM ở TP HCM nhưng một số nơi có xảy ra trục trặc, lượng người đến giao dịch tăng dần.
Sáng cùng ngày, chị Lê Thị Bình, công nhân (CN) Công ty Da giày Huê Phong (quận Gò Vấp), cho biết số máy ATM đặt tại cổng công ty không tăng, trong khi nhiều CN rút tiền nên chị phải chờ 5-10 phút mới đến lượt. Theo anh Trần Minh Hùng, CN KCN Vĩnh Lộc, số lượng người giao dịch qua máy ATM chưa tăng nhiều. Tuy nhiên, sáng 30-1, 3 trong 6 ATM tại khu vực này không giao dịch được, đến chiều cùng ngày mới hoạt động trở lại.
Nhiều người xếp hàng chờ rút tiền tại máy ATM gần Nhà máy Isuzu trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP HCM
Gần Nhà máy Mercedes (quận Gò Vấp) có 2 máy ATM đã tạm ngưng hoạt động khiến các chủ thẻ phải xếp hàng rút tiền từ 2 máy còn lại. KCX Tân Thuận (quận 7) có 28 máy ATM, trong đó, vài máy bị trục trặc và đang được nhân viên ngân hàng (NH) sửa chữa. Đại diện của Vietcombank Tân Thuận cho biết vào thời điểm tan ca, 17 giờ và 22 giờ mỗi ngày, rất nhiều CN đổ về các máy ATM rút tiền nên phải xếp hàng. Trong khoảng thời gian này, các máy ATM tại khu vực Tân Thuận thường hoạt động hết công suất.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều NH đều khẳng định không để thiếu tiền trong máy ATM vào dịp Tết. NH nào cũng sẵn sàng nhân lực, phương tiện tiếp ứng cho mỗi máy ATM khoảng 1,5 tỉ đồng. ATM thông báo tạm ngưng giao dịch thường rơi vào các địa điểm có cường độ giao dịch cao khiến máy hư hỏng lặt vặt và được các NH khắc phục trong ngày.
Do hệ thống ATM đã liên kết và quy về một đầu mối là trung tâm chuyển mạch tài chính, đồng thời chất lượng đường truyền đã được nâng cấp nên giao dịch qua ATM đã được cải thiện nhiều. Theo nhiều NH, trong vài ngày tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chi tiền lương, thưởng cho người lao động, giao dịch ATM sẽ tăng mạnh và khó tránh khỏi trục trặc. Trường hợp bị máy nuốt hoặc mất thẻ, khách hàng có thể đến NH phát hành thẻ rút tiền mặt.