Gian lận tỉ giá, 5 ngân hàng bị phạt 6 tỉ USD
Năm ngân hàng lớn nhất thế giới vừa bị phạt gần 6 tỉ USD vì hành vi gian lận tỉ giá và lũng đoạn thị trường ngoại hối. Các nhà chức trách Mỹ và Anh đã cáo buộc các ngân hàng này lừa dối khách hàng nhằm đạt lợi nhuận cao hơn.
Tăng lợi nhuận từ việc gian lận tỉ giá
Hãng tin Reuters và CBC của Canada dẫn lời từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, 5 ngân hàng lớn nhất thế giới gồm JPMorgan Chase và Citigroup Inc của Mỹ, Barclays Plc của Anh, Royal Bank of Scotland (RBS) và UBS AG của Thụy Sỹ vừa bị các nhà chức trách ở Anh và Mỹ buộc tội lừa dối các khách hàng nhằm tăng lợi nhuận.
Ảnh: CBC News
Trừ ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, bốn ngân hàng còn lại đều thú nhận đã thao túng giá đô la Mỹ và euro trên các thị trường ngoại tệ. UBS chỉ nhận phạm tội thao túng mức lãi suất chuẩn.
Trong 5 ngân hàng thì Barclays của Anh chịu mức phạt kỷ lục là 2,4 tỉ USD. Ngân hàng Citigroup chịu mức phạt hình sự 925 triệu USD và nộp phạt 342 triệu USD cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đồng thời, JPMorgan phải nộp 550 triệu USD tiền phạt hình sự và 342 triệu USD cho FED.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Bank of America cũng phải nộp phạt 205 triệu USD cho FED.
“Mức phạt mà các ngân hàng này phải chịu là phù hợp, xét tới sự kéo dài và quy mô lớn của hành vi chống cạnh tranh mà họ đã gây ra”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Loretta Lynch phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington.
Bà Lynch nói thêm rằng những hành động "thổi phồng lợi nhuận của các ngân hàng gây tổn hại cho vô số người tiêu dùng, những nhà đầu tư và những tổ chức trên toàn cầu từ những quỹ hưu trí cho tới những tập đoàn lớn, bao gồm cả khách hàng của chính những ngân hàng này."
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà chức trách Mỹ và châu Âu đã phạt tổng cộng 7 ngân hàng với số tiền phạt trên 10 tỉ USD vì hoạt động thao túng tỷ giá. Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục diễn ra và không loại trừ khả năng các ngân hàng vi phạm sẽ còn lĩnh thêm án phạt trong thời gian tới.
Thao túng tỉ giá bằng cách nào ?
Các nhà chức trách Mỹ cho biết, các nhân viên giao dịch tại 5 ngân hàng trên đã thông đồng với những giao dịch viên khác để thao túng giá ngoại tệ.
Bắt đầu từ năm 2007, các nhân viên giao dịch đã sử dụng một phòng chat trực tuyến để cùng nhau dàn xếp tỉ giá. Các nhân viên nhau này xem nhau như những người cộng tác thay vì xem nhau là đối thủ cạnh tranh để thực hiện trì hoãn những đợt mua bán nhằm quản lý giá đồng đô và euro.
Nhóm những nhân viên giao dịch này tự gọi mình là "cartel" và sử dụng những phòng trò chuyện điện tử để thao túng tỉ giá. Tuy nhiên, chỉ những người được mời mới có thể tham gia vào nhóm này và họ sử dụng ngôn ngữ đã được mã hóa đề điều phối các giao dịch. Các hoạt động gần như diễn ra hàng ngày của nhóm người này đã gây tổn hại cho nhiều khách hàng, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trên toàn thế giới.
Không những thế, nhân viên của ngân hàng Barclays vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động bán hàng sai trái, bất chấp cam kết của CEO ngân hàng Antony Jenkin là sẽ loại bỏ hình thức kinh doanh thưởng cao cho những rủi ro cao.
Thời gian tới, các "ông lớn" Citigroup, Barclays, JPMorgan, RBS và UBS sẽ phải chấp nhận các thử thách để hoạt động bởi 3 năm tiếp theo các nhà băng này sẽ phải nộp các báo cáo thường xuyên cho nhà cầm quyền và đảm bảo các chứng từ tài chính minh bạch.