Giảm một loạt lãi suất điều hành: Một mũi tên bắn hai đích ?

Sau hơn 3 năm (kể từ ngày 18/3/2014), Ngân hàng Nhà nước mới sử dụng đến công cụ điều hành chủ chốt để giảm lãi suất từ 0,25-0,5% trên chính thị trường liên ngân hàng và trong các tổ chức tín dụng. Điều chỉnh này tác động thế nào đến thị trường tiền tệ nói riêng, nền kinh tế nói chung? Dưới đây là ý kiến một số chuyên gia.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia: Quyết định phù hợp với diễn biến thị trường

Việc Ngân hàng Nhà nước không chọn điều chỉnh trần lãi suất huy động, thay vào đó điều chỉnh lãi suất điều hành là khá hợp lý. Bởi trần lãi suất chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhu cầu vốn nền kinh tế đa dạng.

Có ý kiến cho rằng, động thái điều chỉnh chính sách trên của Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Quan điểm của tôi, với mức đó không phải lỏng mà vẫn rất thận trọng. Tôi còn thấy giảm thêm được nữa thì càng tốt, nhưng với tình hình hiện nay mức giảm như vậy là phù hợp.

Diễn biến tích cực từ chính sách lãi suất cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao như hiện nay chắc chắn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đạt được. Nhưng quan điểm của tôi, vấn đề quan trọng không phải 18% hay 20% mà là chất lượng tín dụng. Ai vay mới là quan trọng. Nếu không đạt mục tiêu 18% nhưng vốn tăng vào lĩnh vực ưu tiên còn hơn là đạt 18% mà vốn lĩnh vực này giảm. Vì vậy, việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên để nắn dòng vốn chảy nhiều hơn vào các lĩnh vực này, là động thái chính sách rất tốt, đáp ứng mong mỏi của thị trường.

Giảm một loạt lãi suất điều hành: Một mũi tên bắn hai đích ? - 1

Luật sư, TS. Bùi Quang Tín – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh: Tính toán khôn khéo của nhà điều hành

Việc giảm lãi suất trong quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với tín hiệu trên thị trường, như cung cầu vốn, thanh khoản không chỉ thị trường 2 mà thị trường 1 cũng khá ổn định. Biểu hiện rõ nét trong những ngày gần đây có một số ngân hàng trước giờ hay tăng lãi suất thì nay đã giảm khoảng 0,1 – 0,3%/năm các kỳ hạn ngắn.

Quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm hướng tới hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để định hướng lãi suất trên thị trường. Thứ hai, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi cần thiết với chi phí thấp hơn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong thời điểm này, giúp ngân hàng mạnh dạn giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Với diễn biến thị trường như trên, lãi suất từ giờ tới đầu quý IV có thể giảm thêm 0,25-0,5%/năm. Nhưng sang năm cũng sẽ trở lại ổn định như 3 quý đầu năm nay chứ không thể giảm thêm được. Dư địa điều chỉnh lãi suất rất hẹp. Đầu vào huy động trên thị trường 1 của ngân hàng gần như không còn room để điều chỉnh khi mà các kênh đầu tư khác đang tăng trưởng tốt như thị trường chứng khoán, bất động sản… Nếu giảm thêm lãi suất, tôi không chắc dòng tiền có tiếp tục ở lại ngân hàng như bây giờ. Đó cũng là lý do mà sau hơn 3 năm Ngân hàng Nhà nước mới sử dụng công cụ lãi suất điều hành để can thiệp thị trường.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): Vốn vào nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm

Đối tượng tiếp theo là các doanh nghiệp tốt, tình hình tài chính mạnh, có khả năng hoạt động bền vững. Ở đây tôi không đề cập doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chỉ cần doanh nghiệp có cơ cấu tài chính vững mạnh vẫn được quyền ưu tiên cho vay với lãi hợp lý. Còn dù doanh nghiệp lớn nhưng hệ số tín dụng thấp, chỉ số rủi ro cao vẫn phải vay với lãi suất cao. Đấy là câu chuyện công bằng.

Từ nay đến cuối năm, nếu không có đột biến từ chính sách khác, tôi nghĩ lãi suất sẽ chỉ giảm nhẹ ở mức 0,25%/năm. Phân tích kỹ các yếu tố tác động mạnh đến lãi suất thì thấy ít có sự đột biến. Cụ thể như lạm phát giảm cho giai đoạn hiện nay, nhưng còn kỳ vọng lạm phát vẫn cao. Mặt khác, mong muốn có được lãi suất cao của người gửi tiền vẫn còn duy trì, vì vậy ngân hàng vẫn phải đảm bảo lãi suất ở mức độ hợp lý nhất định để giữ chân người gửi tiền.

Thực tế hiện nay đang có những kênh đầu tư khá hấp dẫn, như chứng khoán… Vì thế, ngân hàng cố gắng không tăng, còn việc giảm lãi suất huy động là rất khó. Do đó, trừ khi có tác động hỗ trợ chính sách thì mặt bằng lãi suất mới có thể thay đổi nhiều.

TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Điều chỉnh lãi suất một cách thận trọng

Tại phiên họp gần nhất của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quan điểm Hội đồng đối với chính sách lãi suất nên sử dụng các biện pháp kinh tế chứ không nên áp các biện pháp hành chính.

Tất nhiên, giảm lãi suất như vậy sẽ hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng, khi giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh, nếu chúng ta làm không khéo lại phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô mà chúng ta đã và đang cố gắng duy trì trong suốt thời gian qua.

Mặt khác, câu chuyện lãi suất không chỉ là vấn đề hiện tại mà nhìn vào kỳ vọng. Rồi áp lực cung tiền giai đoạn cuối năm vẫn cao, nếu ngân hàng giảm lãi suất cho vay mạnh có thể kích thích doanh nghiệp vay vốn nhiều tạo áp lực cung tiền, chưa nói đến chất lượng tín dụng liệu có đảm bảo, dòng vốn đi vào lĩnh vực hiệu quả…

Hai tín hiệu quan trọng nhất theo tôi có thể giúp ổn định lãi suất là xử lý nợ xấu và kỷ luật ngân sách, giảm thâm hụt và thực hiện bằng các biện pháp thị trường mới đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý, bền vững.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước công bố đồng loạt điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, từ mức 7%/năm xuống còn 6,5%/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN