Giảm lãi suất khoản vay cũ, NH than lợi nhuận giảm

Những ngày qua, các NHTM đang phải tất bật với việc thống kê lại các khoản vay cũ để kéo lãi suất về mức tối đa 15%/năm theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Việc giảm lãi suất đối với khoản vay cũ chưa đến kỳ điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, vì trước đó, nhà băng đã huy động với lãi cao.

Theo yêu cầu của Thống đốc NHNN, kể từ 15/7, các NHTM phải kéo lãi suất các khoản cho vay cũ xuống tối đa 15%/năm. Đây được coi là động thái thiết thực chia sẻ khó khăn của các ngân hàng với doanh nghiệp, khi chính sách hạ lãi suất với các khoản vay mới tỏ ra ít hiệu quả, bởi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho biết, trước khi Thống đốc đưa ra chỉ đạo trên, DongA Bank đã hai lần điều chỉnh lãi suất các khoản cho vay cũ, kể cả với một số hợp đồng chưa đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên, theo ông Bình, với chỉ đạo mới trên, DongA Bank sẽ phải giảm lãi suất của khoảng 40% tổng dư nợ xuống mức 15%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất này sẽ khiến Ngân hàng mất khoảng 40 tỷ đồng/tháng lợi nhuận, tương đương 240 tỷ đồng lợi nhuận giảm trong 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, ông Bình thừa nhận, nếu không giảm lãi suất cho vay, DongA Bank sẽ dễ bị mất đi các khách hàng tốt.

Cũng theo ông Bình, tăng trưởng tín dụng của DongA Bank trong 6 tháng đầu năm nay là tương đối chậm. Bên cạnh đó, nợ xấu gia tăng cũng “ăn” dần vào lợi nhuận của Ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của DongA Bank tính đến cuối tháng 6/2012 là 4% và Ngân hàng đã phải trích lập dự phòng khoảng 2% trên tổng dư nợ (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng). Do vậy, nhiều khả năng, Ngân hàng sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dù 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã thực hiện được hơn 50% kế hoạch.

Giảm lãi suất khoản vay cũ, NH than lợi nhuận giảm - 1

Giảm lãi suất khoản vay cũ mới thực sự là chia sẻ của NH với khó khăn của DN ( hình minh họa).

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, các khoản vay cũ phải giảm lãi suất xuống 15%/năm tại Ngân hàng là khoảng 26.000 tỷ đồng. Vì thế, để thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất khoản vay cũ, bình quân mỗi tháng, kể từ 15/7, Sacombank mất khoảng 80 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nhưng theo ông Khang, trong bối cảnh hiện nay, cần phải có sự chia sẻ với doanh nghiệp, cứu doanh nghiệp cũng chính là cứu bản thân Ngân hàng. Do đó, trong ngày 17/7, Sacombank đã tiến hành ký thỏa thuận hỗ trợ 1.110 tỷ đồng vốn ưu đãi cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thực phẩm… Lãi suất cho vay 13%/năm cố định trong 3 tháng đầu.

Trả lời PV, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, bắt đầu từ 9/7, HDBank đã có thông báo xuống toàn bộ hệ thống rà soát lại các khoản vay cũ chưa đến kỳ điều chỉnh phải cắt giảm lãi suất xuống 15%/năm trước ngày 15/7. Tuy nhiên, theo ông Đặng, do tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm tương đối chậm, đồng thời, HDBank đã có nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng trước khi NHNN đưa ra chỉ đạo nói trên, nên các khoản cho vay cũ lãi suất trên 15%/năm tại HDBank hiện không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Các khoản dư nợ lãi suất trên 15%/năm rơi nhiều vào tín dụng cá nhân.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, để giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về 15%/năm, Ngân hàng sẽ mất khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận. Song ông Thanh cho rằng, đổi lại, sức khỏe của khách hàng sẽ tốt lên. Đó cũng là điều đáng mừng.

Chủ tịch HĐQT TienPhong Bank, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ, là một doanh nghiệp mới bước sang lĩnh vực ngân hàng, ông hiểu chi phí tài chính cao hiện nay là gánh nặng mà ít có doanh nghiệp chịu được. Lãi suất cho vay thời gian qua cao do nhiều nguyên nhân. Vấn đề là ngân hàng làm gì để hạ lãi suất. Ông Phú cho rằng, giảm lãi suất cho vay là không dễ dàng, vì có thời điểm, ngân hàng phải huy động với lãi suất khá cao. Cách đây 3 tháng, ngân hàng đã huy động đầu vào theo quy định của NHNN là 14%/năm. Nhưng trong thời gian qua, lượng vốn này chưa cho vay hết được, thể hiện bằng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng âm.

“Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 0,76% so với cuối năm 2011, nên việc giảm lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm cũng như giảm lãi suất cho vay mới thì tăng trưởng tín dụng mới có thể sôi động trở lại”, TS Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN