Giám đốc công ty đòi nợ thuê phải có bằng đại học
Sắp tới, giám đốc công ty đòi nợ thuê yêu cầu phải có trình độ đại học trở lên các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh...
Bộ Tài chính vừa công bố thông tin, xin ý kiến về dự thảo nghị định “Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Tài chính”.
Các nghị định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ bao gồm: Nghị định số 84/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của luật Kế toán; Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ…
Tranh minh họa
Liên quan đến nội dung bổ sung, sửa đổi Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, có một số điểm mới như sau:
Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi điều kiện về vốn (Điều 13 Nghị định 104), theo đó mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.
Trước đó, Nghị định 104/2007/NĐ-CP yêu cầu mức vốn pháp định là 2 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu mức vốn điều lệ của công ty thu nợ không thấp hơn vốn pháp định.
Tuy nhiên sau đó luật Doanh nghiệp 2014 ra đời đã không còn có quy định về vốn pháp định, vì vậy với đa số ngành nghề, vốn không còn là một điều kiện kinh doanh (trừ một số ngành đặc biệt như ngân hàng, chứng khoán...).
Đối với điều kiện về tiêu chuẩn người quản lý công ty thu nợ, bộ Tài chính đề nghị sửa đổi như sau: người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ “có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh”.
Đây là điểm mới so với Nghị định 104/2007/NĐ-CP trước đây chỉ yêu cầu nhân sự hoạt động trong công ty kinh doanh thu nợ phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Ngoài ra, về điều kiện đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ, nội dung dự thảo quy định, người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Người lao động trong lĩnh vực đòi nợ không thuộc một trong các trường hợp như đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc là từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú..
Trước đó, hồi tháng 8/2017, bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tinh thần của luật Doanh nghiệp năm 2014 nhằm tăng thêm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và giảm mức độ can thiệp của Nhà nước.
Theo quan điểm của đơn vị này, thực tế không cần thiết duy trì các điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ như điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bởi vì, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự; giao dịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ với chủ nợ, khách nợ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên theo quy định của bộ luật Dân sự, không nhất thiết phải quy định nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ tại một Nghị định riêng.
Tại công văn số 1423/BCA-C42 ngày 27/6/2017, bộ Công an cho biết, trong những năm qua, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ chủ yếu phức tạp về an ninh, trật tự. Vì vậy công tác quản lý đối với ngành, nghề này hiện nay Chính phủ đã giao cho bộ Công an và được quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, bộ Công an đã đề nghị bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng dự thảo nghị định bãi bỏ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ. |