Giải pháp trả nợ công: Bần cùng mới bán vốn nhà nước
Bài toán giải quyết nợ công ra sao đã không còn là vấn đề mới mẻ trong bối cảnh hiện nay, số nợ này đang diễn ra ngày một "căng thẳng".
Do bội chi tăng cao nên tốc độ nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, từ mức 50,1% GDP
Gánh nặng nợ công tăng cao, "đè nặng" nghĩa vụ trả nợ
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016, bội chi ngân sách đã tăng từ mức 65,8 nghìn tỉ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỉ đồng năm 2015. So với GDP, bội chi đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030.
Báo cáo cho biết, do bội chi tăng cao nên tốc độ nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, từ mức 50,1% GDP lên 61,3% GDP, tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.
Nếu tính theo thông lệ quốc tế, nợ công Việt Nam còn cao hơn nhiều, vì không tính đến nợ của doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức công khác, báo cáo lưu ý thêm.
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn các nước trong ASEAN, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan, nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam.
Đáng chú ý, theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ là nước duy nhất có nợ công/GDP tăng tiệm cận 68% GDP năm 2020. Mức nợ công tăng cao cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ cũng tăng lên. Cụ thể, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185,8 nghìn tỉ đồng năm 2013 lên 296,2 nghìn tỉ đồng năm 2015. Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến là 418,4 nghìn tỉ đồng năm 2015.
Bán cổ phần nhà nước chỉ là giải pháp cuối cùng
Trao đổi với báo giới ngày 8.6 về vấn đề nợ công hiện nay, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, tỷ lệ nợ công tăng cao như hiện nay là vấn đề mang tính lịch sử.
Bàn về giải pháp trả nợ, ông Tiến cho biết có thể đàm phán với các chủ nợ để hỗ trợ xoá nợ, cho vay đảo nợ hoặc các chủ nợ này cũng có thể mua lại nợ…
Nhiều ý kiến cho rằng, có khả năng sẽ bán vốn nhà nước để trả nợ, tuy nhiên, theo ông Tiến, đây chỉ là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khác.
“Tính đến việc bán vốn nhà nước để trả nợ chỉ là một phương pháp nhưng sẽ là giải pháp khi không còn giải pháp nào nữa mới làm vì vốn liếng ở doanh nghiệp là của để dành, nếu bán đi cũng dùng số tiền đó nhằm mục đích đầu tư chứ không nhằm mục đích trả nợ”, ông Tiến cho hay.
Phân tích thêm về nguyên nhân khiến tình trạng nợ công của Việt Nam ngày càng tăng cao, ông Tiến nói rằng vấn đề này liên quan đến việc thực hiện song song kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư trong khi GDP trên thực tế đạt được thấp hơn so với dự báo thì công tác chi đầu tư lại được xây dựng dựa trên GDP dự báo.
“Mẫu số nhỏ hơn song tử số lại tăng hoặc giữ nguyên nên dẫn đến tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn đáng kể”, ông Tiến giải thích.
Hơn nữa, nợ công dồn lại do từ nhiều năm trước, cách nhìn nhận về việc sử dụng nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế, chẳng hạn như cho rằng vốn rẻ, thời hạn dài nên trong sử dụng và quản lý không thật chặt chẽ. Ở thời điểm này, quan điểm về nợ công đã thay đổi và quản lý nợ công cũng trở nên thận trọng hơn.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do giai đoạn 2010-2012, Chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn 1-2 năm.