Giải mã bong bóng tâm lý mới trên thị trường tỷ giá

Với diễn biến giá USD tăng nhiều hơn giảm như hiện nay, nhiều người lo ngại, tỷ giá VNĐ/USD rơi vào một đợt căng thẳng mới chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố tâm lý dưới tác động thông tin trên thị trường quốc tế.

Nhiều người tìm mua USD

Tỷ giá VNĐ/USD hôm nay (11.11) mới bắt đầu hạ nhiệt nhưng vẫn đứng ở mức cao, chủ yếu trên thị trường tự do. So với ngày hôm qua, tỷ giá VNĐ/USD niêm yết tại hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn ở mức 22.350-22.430 đồng/USD, chỉ giảm 10 đồng/USD so với hôm qua.

Giải mã bong bóng tâm lý mới trên thị trường tỷ giá - 1

Trên thị trường tự do thời điểm này, giá USD đã có dấu hiệu chững lại so với mức đỉnh 22.610 đồng/USD thiết lập được hai ngày trước đó. Một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do tại Hà Nội báo giá USD hôm nay ở mức 22.520 đồng (mua vào) và 22.540 đồng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng hôm qua, giá USD tự do hiện giảm 30 đồng ở chiều mua và 40 đồng ở chiều bán. Giá USD tự do vẫn cao hơn giá USD ngân hàng 100 đồng/USD ở chiều bán ra.

Theo các chủ cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội), những ngày qua lượng người tìm mua USD tăng lên khá mạnh. Các giao dịch mua USD nhiều hơn bán nên các đầu mối thu đổi ngoại tệ đã đẩy giá bán ra nhanh hơn, nhiều hơn so với giá mua vào.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thị trường liên ngân hàng cũng như giao dịch mua bán tại các ngân hàng hiện đều bình thường. Qua theo dõi thị trường, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng không có gì đột biến. Thanh khoản tại các ngân hàng khá ổn định.

Như vậy sau hơn một tháng ổn định, thậm chí có lúc hạ nhiệt khá mạnh thì từ ngày 5 và 6.11 đến nay, đồng USD lại có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Giá USD tại các ngân hàng đã tăng hơn 120 đồng/USD, từ mức 22.340 đồng lên 22.460 đồng/USD trong hơn một tuần qua.

Vẫn giữ được cam kết không điều chỉnh tỷ giá

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra một thông điệp mới nào về tỷ giá. Tuy nhiên, với diễn biến giá USD tăng nhiều hơn giảm trong những ngày qua, nhiều người lo ngại, tỷ giá USD/VND rơi vào một đợt căng thẳng mới chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố tâm lý dưới tác động thông tin trên thị trường quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chuyên gia tài chính ngân hàng - ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chắc chắn có yếu tố tâm lý và đầu cơ trong những đợt biến động giá USD hiện nay. “Giới đầu cơ thường rất tài tình trong việc tạo ảnh hưởng tâm lý qua những lời đồn thổi, nhất là khi có động thái về khả năng tăng lãi suất của Mỹ. Không chỉ Việt Nam mà nhiều thị trường tiền tệ khu vực cũng đã bị ảnh hưởng” - ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhìn nhận, không có tác động tâm lý này thì áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm đối với Việt Nam là không thể phủ nhận. “Nó đến từ nhập siêu gia tăng, trả nợ công của Chính phủ, doanh nghiệp cần ngoại tệ nhập hàng cho lễ tết và trả nợ nước ngoài…” - vị chuyên gia này phân tích.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể giữ được cam kết không điều chỉnh tỷ giá. Bởi hiện Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa có thái độ dứt khoát về việc sẽ tăng lãi suất. Đồng nhân dân tệ cũng chưa biết sẽ biến động thế nào. Biến động tỷ giá trong nước hiện nay cũng chưa quá mạnh như các lần “sốt” tỷ giá trước đó. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể áp dụng biện pháp bán ngoại tệ ra để ổn định thị trường.

Tuy nhiên, “với các yếu tố nội tại của nền kinh tế, nếu FED tăng lãi suất tháng 12 tới đây, đồng USD sẽ mạnh lên so với đồng tiền các nước khác, sức ép đối với đồng VNĐ sẽ rất lớn” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ quan điểm.

Thực tế, theo ông Phong, đồng tiền của Việt Nam vẫn đang được giữ ở giá trị rất cao, vẫn phải điều chỉnh tiếp trong các năm tới để phù hợp với biến động trên thị trường tiền tệ thế giới và khu vực. Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ linh hoạt để giữ ổn định thị trường ngoại hối. Nếu thị trường biến động quá lớn, chúng ta sẽ phải điều chỉnh tỷ giá vì trước sau gì cũng sẽ phải điều chỉnh. “Nếu điều chỉnh tỷ giá tôi cho sẽ có lợi cho nền kinh tế nhiều hơn vì kinh tế của ta dựa nhiều vào xuất khẩu. Nhà nước cũng sẽ không phải chi phí nhiều cho việc ổn định thị trường ngoại hối” -ông Phong nói.

Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) khẳng định: “Biến động tỷ giá hiện nay chủ yếu do tâm lý. Tôi tin Ngân hàng Nhà nước sẽ ổn định thị trường bằng cách bán USD ra. Thêm nữa, tỷ giá tăng lên hiện nay vẫn còn cách xa trần và chủ yếu trên thị trường tự do. Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố từ giờ đến cuối năm sẽ không phá giá tiền đồng thêm nữa nên sẽ có giải pháp can thiệp. Năm nay tiền đồng đã mất giá 5% nên khó có thể phá giá nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ uy tín, chưa kể còn phải ổn định lãi suất nữa nên không thể điều chỉnh thêm tỷ giá”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN