Giá vàng khó đột biến

Khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt khâu sản xuất và kinh doanh vàng miếng, nhiều người đang kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ lùi về sát với giá thế giới.

Ngày 1-5, tuy các doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu còn nghỉ lễ nhưng giá vàng trong nước vẫn biến động theo giá quốc tế. Vàng SJC bán ra 43,03 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới leo lên 1.663 USD/ounce (lúc 14 giờ).

Thị trường èo uột

Gần đây, thị trường vàng không mấy sôi động, giao dịch diễn ra chủ yếu giữa các doanh nghiệp với nhau. Trước đợt nghỉ lễ, Công ty Vàng bạc Đá quý Ngân hàng (NH) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – SBJ) cho biết thị trường diễn biến theo xu hướng cân bằng lực mua - bán. Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho hay doanh số mua - bán vàng miếng của PNJ chỉ khoảng 700 - 800 lượng/ngày.

PNJ cho rằng mãi lực của thị trường trong nước giảm là do giá vàng thế giới không thể tăng mạnh trong ngắn hạn. Ngay tại trụ sở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), không khí giao dịch cũng khá trầm lắng, doanh số mua – bán rất thấp...

Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục cao hơn thế giới 1- 2 triệu đồng/lượng. Người dân từ chối mua vàng vì giá cả bất hợp lý, đồng thời e ngại giao dịch sẽ trở nên khó khăn bởi các quy định mới về thị trường vàng sẽ được thực thi từ ngày 25-5.

Nhiều ý kiến cho rằng khi NH Nhà nước quản lý chặt thị trường vàng, từng bước đưa các thương hiệu về một đầu mối thì giá vàng trong nước sẽ có cơ hội lùi về sát với giá thế giới. Từ đó, không ít nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ giảm sâu nên thời điểm này, họ chưa dám bỏ vốn vào vàng.

Giá vàng khó đột biến - 1

Do nhiều người kỳ vọng giá sẽ còn giảm nên nhiều tuần nay, sức mua vàng rất yếu. Ảnh: HỒNG THÚY

Tuy vậy, khi giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới vài trăm ngàn đồng/lượng, giới đầu tư có thể dồn vốn vào vàng, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu vàng tăng, làm tiêu tốn một lượng lớn USD, ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu ổn định tỉ giá.

Vì thế, một số chuyên gia tài chính đề xuất cơ quan quản lý cần tạo ra phương thức giao dịch vàng sao cho không phải nhập khẩu vàng (có thể cho phép cá nhân giao dịch qua tài khoản dưới sự quản lý của NH Nhà nước). Như thế, mới hạn chế được nhu cầu mua “vàng tươi”, giải quyết những vấn đề liên quan giữa vàng với ngoại tệ.

Phụ thuộc giá thế giới

Theo giới phân tích, giá vàng thế giới có thể tăng trong vài ngày tới vì tình tình kinh tế - chính trị ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu bất ổn, nhất là tỉ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha tăng cao, Chính phủ Hà Lan từ chức…

Khảo sát của Kitco News - trang thông tin chuyên về vàng - mới đây cho thấy 21/26 người cho rằng giá vàng sẽ tăng. Kết quả khảo sát của hãng tin tài chính Bloomberg cũng có 14/28 ý kiến dự báo giá vàng tăng, 8 ý kiến dự báo giá đi ngang và 6 dự báo vàng sẽ giảm giá.

Trong tháng 3-2012, NH Trung ương của Mexico mua 16,8 tấn vàng, Nga mua 16,5 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ mua 11,5 tấn… cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho giá vàng đi lên. Thế nhưng, Chính phủ Mỹ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cực thấp cho đến hết năm 2014, cho thấy USD vẫn được định giá thấp so với nhiều đồng tiền mạnh khác, làm cản đà tăng của giá vàng.

Tuy vậy, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), cho biết: Dấu hiệu cho thấy giá vàng thế giới tăng mạnh trong dài hạn là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp cần thiết. Nếu đến quý IV/2012, Mỹ tung ra gói cứu trợ kinh tế lần 3 thì khi đó, thị trường vàng mới có cơ hội tạo ra đột biến.

Theo ông Hải, giá vàng tại Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới, sức mua và tỉ giá USD. Khi NH Nhà nước siết chặt khâu sản xuất và kinh doanh vàng miếng, sức mua – bán vàng sẽ yếu ớt, làm cho tỉ giá hối đoái ổn định, thị trường vàng trong nước sẽ không có đột biến. Do đó, giá vàng trong nước chỉ tăng mạnh khi giá vàng thế giới tăng 50-60 USD/ounce.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN