Giá dầu “nhấn chìm” đại gia dầu khí
Giá dầu giảm mạnh “nhấn chìm” đại gia dầu khí, từ đó kéo thị trường tiếp tục giảm sâu.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Nhu cầu về dầu sụt giảm, giới đầu tư thế giới kỳ vọng OPEC sẽ cắt sản lượng. Nhưng tối qua, OPEC tuyên bố sẽ giữ nguyên sản lượng. Điều đó khiến giá dầu tiếp tục “lao dốc”. Theo lý thuyết, giá dầu rẻ hơn sẽ là trợ lực lớn cho nền kinh tế và chứng khoán sẽ đi lên.
Tuy nhiên, khi giá dầu đi xuống, nhiều “đại gia” dầu khí trên sàn chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Đó là GAS, PVD, PVS,… Khi bị nhà đầu tư quay lưng, cổ phiếu dầu khí “rơi” mạnh và tác động không tốt đến toàn thị trường.
Mở đầu phiên giao dịch cuối tuần, áp lực bán ra khiến toàn sàn chìm trong sắc đỏ. Càng về cuối phiên, VN-Index “rơi” càng mạnh. Kết phiên ngày 28/11, VN-Index giảm 6,31 điểm, tương ứng 1,1% và đóng cửa ở mức 566,58 điểm. Thanh khoản trên sàn thành phố Hồ Chí Minh được cải thiện.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 145.679.937 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.377,19 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 7.307.287 cổ phiếu, tương ứng 135,2 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 134 mã tăng giá, 63 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ giảm nhẹ hơn VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/11, VN30-Index giảm 4,42 điểm, tương ứng 0,72% dừng ở mức 611,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch của nhóm VN30 đạt 53.683.770 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.006,85 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hôm qua và vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Dòng tiền đang chọn blue-chip. Nhóm VN30-Index có 7 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 18 mã giảm giá.
PVD tiếp tục là blue-chip lao dốc mạnh nhất khi suýt giảm sàn. PVD giảm 5.000 đồng/CP xuống 75.500 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của PVD khá lớn. Trong khi đó, không được ghi tên vào danh sách blue-chip nhưng GAS vẫn là mã có tác động lớn tới thị trường. Giống như PVD, hôm nay, GAS “rơi” mạnh. GAS giảm 5.000 đồng/CP xuống 86.000 đồng/CP.
Các blue-chip còn lại giảm không quá mạnh. KDC giảm 1.500 đồng/CP xuống 53.000 đồng/CP. DRC giảm 1.500 đồng/CP xuống 56.500 đồng/CP. HPG giảm 1.000 đồng/CP xuống 53.500 đồng/CP. HSG giảm 700 đồng/CP xuống 49.300 đồng/CP. FPT giảm 600 đồng/CP xuống 48.100 đồng/CP. CSM giảm 500 đồng/CP xuống 44.000 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, blue-chip tăng rất khiêm tốn. DPM tăng 400 đồng/CP lên 29.200 đồng/CP. VCB tăng 400 đồng/CP lên 27.700 đồng/CP. OGC tăng 300 đồng/CP lên 8.400 đồng/CP. IJC tăng 300 đồng/CP lên 13.600 đồng/CP. MBB tăng 200 đồng/CP lên 12.800 đồng/CP.
Thị trường lao dốc, cổ phiếu bất động sản vẫn tăng khá. Nhưng không mã nào so nổi đà tăng mạnh mẽ của SBC. Hôm nay, SBC đánh dấu phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp. SBC tăng 2.000 đồng/CP lên 31.700 đồng/CP.
Khi giá dầu đi xuống, nhiều “đại gia” dầu khí trên sàn chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh họa)
Sàn Hà Nội
Các chỉ số trên sàn Hà Nội cũng giảm mạnh như VN-Index và VN30-Index. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, HNX-Index giảm 0,57 điểm, tương ứng 0,65% và đóng cửa ở mức 87,42 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội cũng được cải thiện.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 77.896.940 cổ phiếu, tương ứng 1.089,74 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 6.400.257 cổ phiếu, tương ứng 66,14 tỷ đồng, tăng mạnh nhưng vẫn đứng ở mứcthấp. Toàn sàn ghi nhận 128 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 70 mã giảm giá.
HNX30-Index giảm mạnh hơn HNX-Index một chút. Chốt phiên ngày 28/11, HNX30-Index giảm 1,79 điểm, tương ứng 1,01% và đóng cửa ở mức 175,2 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 49.310.200 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 804,75 tỷ đồng, tăng mạnh so với hôm qua. Trong nhóm ghi nhận 15 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 12 mã giảm giá.
Tất cả cổ phiếu họ dầu khí trong nhóm blue-chip đều chốt phiên trong sắc đỏ. PVS giảm 2.300 đồng/CP xuống 32.800 đồng/CP. PVC giảm 1.300 đồng/CP xuống 31.000 đồng/CP. PVB giảm 1.100 đồng/CP xuống 52.000 đồng/CP. PVG giảm 200 đồng/CP xuống 11.100 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, các blue-chip đi lên đa phần đều thuộc nhóm ngành bất động sản. VCG tăng 1.000 đồng/CP lên 14.300 đồng/CP. SCR tăng 400 đồng/CP lên 10.600 đồng/CP. SD6 tăng 400 đồng/CP lên 15.000 đồng/CP. SD9 tăng 200 đồng/CP lên 14.700 đồng/CP. SDT tăng 200 đồng/CP lên 16.400 đồng/CP.