Giá đất Hà Nội tăng quanh 4 dự án cầu tỷ đô

Dù đánh giá thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng cùng tiến độ triển khai 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống, song các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo việc nhà đầu tư đổ tiền mua đất ồ ạt ở khu vực này có thể sa vào bẫy “tâm lý đám đông” như một số dự án khác trước đây.

Giá đất Hà Nội tăng quanh 4 dự án cầu tỷ đô - 1

Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng đất tại khu vực Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) sẽ tăng mạnh trong thời gian tới (Ảnh: Cao Tuân). Dự kiến Hà Nội sẽ chi 32.500 tỷ đồng xây các cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống (ảnh nhỏ). Ảnh: T.L

Chưa giao quỹ đất cho nhà đầu tư nào

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã chính thức chỉ đạo triển khai thực hiện 4 dự án cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống với tổng kinh phí 32.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,4 tỷ USD). Theo đó, 4 cầu mới được xây dựng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) gồm: Cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm); Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên).

Dự kiến, Hà Nội sẽ phải thanh toán cho các nhà đầu tư quỹ đất là 836 ha. Quỹ đất này nằm rải rác tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh); các xã Yên Thường, Yên Viên, Dương Xá, Đông Dư, Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) và các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên).

Tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội vừa qua, trả lời câu hỏi của báo chí về tiêu chí chọn nhà đầu tư, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: Các nhà đầu tư lớn của Việt Nam đều quan tâm đăng ký tham gia theo hình thức đối tác công tư, nhà đầu tư bỏ vốn xây công trình, thành phố thanh toán bằng quỹ đất. Để đảm bảo thực hiện dự án này thành phố đã giám sát vị trí quỹ đất để nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án đối ứng phù hợp nguồn vốn đã bố trí.

Về lo ngại chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, các nhà đầu tư sẽ lấy những khu đất ở những điểm cầu để xây dựng chung cư dẫn đến nguy cơ tăng cơ học dân số Hà Nội và không có tác dụng giảm ùn tắc, ông Tuấn khẳng định: “Tất cả các dự án sẽ đảm bảo đúng quy hoạch thành phố được duyệt. Hiện tổng quỹ đất này đang nghiên cứu chứ chưa phải chính thức giao cho bất cứ nhà đầu tư nào”.

Khởi động nhiều dự án đô thị

Ngay sau khi thông tin này được phát đi đã trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản. Giới chức trách cũng đặt niềm tin rằng, Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới.

Không quá ngạc nhiên khi hiện nay, ở khu vực các quận, huyện Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên và Tây Hồ - Nơi sắp triển khai các dự án xây cầu đã xuất hiện nhiều đại gia địa ốc triển khai các dự án bất động sản lớn. Điển hình nhất là dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia gần cầu Tứ Liên; dự án công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh; dự án được xây dựng theo mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu…

Nắm bắt cơ hội, các nhà môi giới bất động sản đã đưa thông tin dự án những công trình trọng điểm đang được triển khai để tạo cơn sốt về giá đất ở khu vực quanh cầu. Đặc biệt, người dân khu vực này tỏ ra hào hứng và hy vọng có thêm cơ hội chuyển đổi hình thức kinh doanh cũng như giá bất động sản sẽ tăng lên.

Thấy chúng tôi quan tâm, một môi giới bất động sản ở khu vực phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) hào hứng tư vấn: “Giá đất khu vực này thời gian tới sẽ tăng mạnh, các anh không chớp cơ hội khi giá còn rẻ thì tiếc lắm. Chỉ vài năm nữa thôi giá đất tại khu vực này sẽ tăng mạnh theo cấp số nhân”.

Cũng theo môi giới này: “Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư, nếu không nhanh chân bước sang năm 2018 các dự án lớn được khởi công mặt bằng giá sẽ không còn mức thấp như hiện nay nữa”.

Theo ghi nhận của phóng viên, đất xung quanh khu vực dự án công viên Kim Quy, nằm tại giao lộ giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài thuộc địa phận huyện Đông Anh, có quy mô diện tích hơn 100ha cũng được các môi giới bất động sản đưa ra chào mời khách hàng. Chính vì vậy, giá đất đã tăng cao hơn khoảng 30% so với cách đây 2 năm, đã có những tín hiệu giao dịch trở lại. Hiện những lô đất ở trục đường lớn có mặt bằng giá khoảng trên 30 triệu đồng/m2, đi sâu vào bên trong các khu dân cư mặt bằng giá dao động từ khoảng 15-20 triệu đồng/m2.

Khu vực phường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - Nơi dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng giá đất cũng bắt đầu rục rịch tăng. Theo người dân, giá nhà đất ở khu vực Chương Dương Độ dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi có dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, giá nhà đất đã tăng lên thành 70 - 80 triệu đồng/m2.

Thận trọng trước những “vết xe đổ”

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS La Văn Thái - Chuyên gia kinh tế cho biết, ông đã được nghe thông tin về việc một số nhà đầu tư đang dồn tiền mua đất quanh khu vực 4 cây cầu sắp được xây dựng.

“Rõ ràng khi các cây cầu được hoàn thiện sẽ tạo sự thuận lợi cho việc đi lại cũng như tạo ra sự kết nối tốt hơn với khu vực nội đô. Như vậy có thể thấy đây là động lực rất lớn đối với thị trường bất động sản ở khu vực phía Đông Hà Nội. Tuy nhiên, giá đất sẽ tăng nhưng không phải là tăng đồng loạt mà sẽ nhích dần theo đúng giá trị và vị trí tương ứng”, TS Thái cho hay.

Giá đất Hà Nội tăng quanh 4 dự án cầu tỷ đô - 2

Chuyên gia kinh tế La Văn Thái khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng khi “ôm đất” quanh khu vực sắp xây dựng cầu mới.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Theo tính toán, dự án cầu nói trên sẽ hoàn thành trong năm 2021, do vậy trong 1, 2 năm tới thị trường bất động sản ở khu vực xung quanh không thể tăng đột biến được. Nếu nhà đầu tư may mắn thì không sao nhưng khi xảy ra biến cố sẽ kèm theo rất nhiều rủi ro”.

Còn nhớ năm 2010, nhiều người “đón đầu” quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính ở Ba Vì (Hà Nội) nên đã đổ xô mua đất ở các xã Yên Bài, Tản Lĩnh. Một năm sau đó, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vẫn đặt tại Ba Đình khiến không ít nhà đầu tư bán tháo đất tại trục Hoà Lạc - Ba Vì.

Cũng theo dọc trục đường Láng Hoà Lạc, nhiều người “ôm đất” đang khổ sở vì “tính toán nhầm” khi sổ đỏ vẫn thuộc Hoà Bình, bán lại thì không ai mua vì họ chê quá xa và không thuận đường. Không chỉ người dân “mắc cạn” mà nhiều doanh nghiệp cũng thất bại khi đầu tư khu đô thị trên khu vực này.

Hay như tại thôn Lập Thạch (Đông Xuân, Quốc Oai), Ban Quản lý dự án Tiến Xuân của Cty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) như một ngôi nhà hoang khi không có một bóng người. Toàn bộ dự án khu đô thị có quy mô 1.400 ha bao gồm cả 2 xã Đông Xuân, Tiến Xuân vẫn nằm trên giấy...

Không nên đầu tư theo tâm lý đám đông

Nhận định về giá đất đang nóng lên từng ngày theo dự án cầu, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Hoàng Hải Nam chia sẻ: “Thời gian gần đây chúng ta nhận thấy hàng loạt công trình giao thông quan trọng tại khu vực Đông Anh đã được đưa vào hoạt động, các dự án lớn cũng đổ bộ vào Đông Anh đã khiến khu vực này hút các nhà đầu tư. Chính vì vậy giá bất động sản bám sát các trục chính quy hoạch tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên thận trọng, không nên đầu tư theo tâm lý đám đông vì việc quy hoạch, phát triển cần thời gian dài. Đối với những mảnh đất chưa rõ quy hoạch, nhà đầu tư cần tính toán trước khi xuống tiền. Bài học cơn sốt đất nền ở Ba Vì vẫn còn đó nên các nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân (Gia đình & Xã hội)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN