Giá bất động sản vẫn đang “rò đáy”
Sự kiện hai “đại gia” bất động sản TP Hồ Chí Minh mới đây công bố đại hạ giá tới 50% dự án căn hộ và đất nền biệt thự tạo nên “cú hích” khiến giá bất động sản (BĐS) vốn đang trên đà lao dốc giảm sâu hơn. Dự kiến những tháng cuối năm, cuộc đại hạ giá trên thị trường BĐS sẽ còn náo nhiệt hơn.
Giảm giá lan rộng
Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố rút khỏi thị trường BĐS Việt Nam; Quốc Cường Gia Lai phải cầm cắm sổ đỏ; Tập đoàn Novaland giảm gần 50% giá bán khu căn hộ North Towers; Phát Đạt giảm 50% giá bán Khu biệt thự ven sông và nhà phố thương mại... là những sự kiện liên tiếp gây chấn động thị trường BĐS, bởi liên quan đến những “ông lớn” và mức giảm giá kỷ lục.
"Mặc dù giá nhà đất giảm song không phải ai cũng sẵn sàng mua, trừ những người có nhu cầu thực sự. Ngay cả khi có nhu cầu thực, khách mua nhà cũng còn phân vân chưa muốn quyết định ngay mà có tâm lý chờ đợi nhà đất tiếp tục giảm giá, bởi hàng tồn kho bất động sản vẫn còn rất nhiều, chủ đầu tư không thể đeo một khối nợ nặng nề mãi”. GS. Đặng Hùng Võ |
Nguyên nhân khiến các đại gia BĐS rút khỏi “cuộc chơi” hoặc phải giảm giá tận đáy chính là áp lực rút vốn để hoàn trả ngân hàng vào cuối năm. Như Phát Đạt, hàng tồn kho BĐS hiện chiếm 90% tổng tài sản của doanh nghiệp, tổng nợ lên đến 4,9 nghìn tỷ đồng, nên Phát Đạt buộc phải chấp nhận giảm giá tận đáy. Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính, không trông chờ được vào cứu viện, thì giảm giá là sự thay đổi mạnh dạn và cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định sự kiện hai dự án BĐS lớn ở TP Hồ Chí Minh giảm giá mạnh cùng với áp lực thu hồi vốn vào cuối năm đã và sẽ tạo ra cuộc đại hạ giá trên thị trường BĐS toàn quốc. Khảo sát thực tế tại Hà Nội, tuy chưa có dự án nào giảm giá “sốc” như ở TP Hồ Chí Minh nhưng giá BĐS cũng đang đà giảm mạnh. Như biệt thự Dương Nội giai đoạn đỉnh điểm lên tới 68 triệu đồng/m2, nay cũng chỉ chào giá 31 - 32 triệu đồng/m2; chung cư ở Xa La, Văn Khê hai năm trước khoảng 25 - 28 triệu đồng/m2, nay còn khoảng 15 - 23 triệu đồng/m2. Đất biệt thự khu Vườn Đào hiện chỉ có giá 120 - 135 triệu đồng/m2, biệt thự khu đô thị mới Ciputra có giá 130 - 150 triệu đồng/m2, biệt thự khu Mỹ Đình II giá 110 - 120 triệu đồng/m2, khu Geleximco Lê Trọng còn 38 - 40 triệu đồng/m2, biệt thự khu đô thị Dương Nội, An Hưng giá 40 - 45 triệu đồng/m2...
Các dự án BĐS đều giảm giá và kèm theo nhiều ưu đãi nhưng khách hàng vẫn thiếu nhiệt tình.
Cắt lỗ cũng khó bán
Chị Ngọc Anh - nhân viên Sàn giao dịch bất động sản An Phát (Hà Đông) cho biết, mặc dù BĐS giảm giá mạnh nhưng giao dịch rất thưa thớt, khó thành công. Có khách hàng hai năm trước ký hợp đồng mua căn hộ tại Dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông, Hà Nội) với mức giá 21 triệu đồng/m2 (giá qua nhiều trung gian) với ý định đầu cơ kiếm lời khi dự án hoàn thành, nay không đủ sức “ôm” hàng nữa đã chấp nhận bán với giá 16 triệu đồng/m2, thấp hơn giá ghi trên hợp đồng (là 17 triệu đồng/m2), nhưng đã 3 tháng nay vẫn chưa bán được. “Có khách hàng rao bán căn hộ chung cư Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường với giá 16 - 18 triệu đồng/m2 (trong khi khách này đã mua với giá 23 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2011), nhưng cũng chẳng có khách hỏi” - chị Ngọc Anh nói.
Chị Thu Hằng công tác ở Bộ Công an mua căn hộ tập thể cũ diện tích sổ đỏ 16 m2, diện tích đã cơi nới 32m2 ở tầng 2, nhà D Khu tập thể Thanh Xuân Bắc với giá 750 triệu đồng từ hơn 2 năm trước, sau đó sửa sang lại hết hơn 30 triệu nữa. Nay chị rao bán căn hộ này với giá 800 triệu đồng, sẽ sang tên sổ đỏ cho người mua và sẵn sàng “ra lộc”, nhưng rao mãi vẫn chưa bán được nhà. “Hình như người dân ít có nhu cầu mua bán nhà đất vào thời điểm này, BĐS đã giảm rất sâu, gần như chạm đáy mà vẫn không bán được, như người bạn của tôi có một mảnh đất diện tích 40 m2 ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, cuối năm 2011 đã có người hỏi mua với giá 1,6 tỷ nhưng lại chần chừ chưa bán, nay rao bán với giá 1 tỷ mà vẫn chưa bán được “ - chị Hằng than phiền.