GDP tăng sao lại hụt thu?

Báo cáo tại Quốc hội ngày 23/10, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) đồng ý đề xuất nâng trần bội chi năm 2013 từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP theo đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cần đánh giá thực chất chỉ tiêu tăng trưởng.

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối ngân sách năm 2013 ước đạt hơn 752.000 tỷ đồng, giảm gần 64.000 tỷ đồng so với dự toán. “Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN” – ông Hiển nhận xét.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,4% nhưng Chính phủ báo cáo số liệu hụt thu nội địa khá lớn. Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu NSNN, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu NSNN tích cực hơn.

Qua giám sát thực tế, Ủy ban TCNS nhận thấy chính việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới đã làm tăng chi cho ngân sách; trong khi đó thất thu thuế là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm thu NSNN. Ủy ban này cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP, nhưng không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ.

Báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị nâng trần bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Thẩm tra nội dung này, Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự đồng tình.

Chủ nhiệm UBTCNS cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng ngân sách chi một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm an sinh xã hội).

Thất thoát tại các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại báo cáo Thẩm tra sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Ủy ban TCNS của Quốc hội đánh giá chất lượng và hiệu quả thực hiện ở một số chương trình chưa cao, tính bền vững còn hạn chế, hiệu quả sử dụng vốn ở một số chương trình tại một số địa phương còn thấp, có biểu hiện thất thoát, lãng phí.

Ủy ban TCNS cho rằng, có nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên song nổi lên là các nguyên nhân do công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các CT MTQG chưa thực sự hiệu quả, có nhiều Bộ chỉ đạo chương trình trên cùng một địa phương, cùng một đối tượng thụ hưởng. Mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình quá rộng, dàn trải, chưa thật phù hợp với khả năng huy động của nguồn lực.

CÔNG KHANH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Phúc (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN