GDP quý I.2015 tăng vọt lên 6,03%: Đừng quá lạc quan
Các chuyên gia cho rằng, chỉ số GDP quý I tăng vọt lên 6,03% là điều rất cần nghiên cứu, đánh giá kỹ. Và dù cho tăng trưởng kinh tế cao như vậy, giai đoạn tới cũng không được chủ quan vì khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Chuyên gia cũng ngạc nhiên
Chia sẻ với NTNN, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư Lê Đăng Doanh cho biết: “Tôi cũng quá ngạc nhiên với chỉ số GDP quý I vì mức tăng quá mạnh. Quý I chúng ta nghỉ tết 9 ngày, rồi lại lễ hội kéo dài đến nỗi lao động không quay lại nhà máy kịp. Các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài kêu trời vì sản xuất bị ảnh hưởng. Rồi giá dầu giảm không biết ảnh hưởng thế nào tới nguồn thu ngân sách. Nông nghiệp, xuất khẩu đều tăng trưởng thấp. “Rõ ràng nhìn vào các yếu tố này thì kinh tế khó khởi sắc như thế”- ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, ngay cả lý giải là toàn bộ tăng trưởng dựa vào công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh thì cũng vẫn khó, vì khu vực công nghiệp chủ yếu là khối doanh nghiệp FDI, tham gia sản xuất, sản lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước ít. “Tôi cho rằng một số vị bộ trưởng ngạc nhiên, choáng là đúng thôi. Với đà này có lẽ GDP năm nay phải lên đến 7%”-ông Doanh phân tích.
Một chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý: Chúng ta không nên quá lạc quan vào con số GDP quý I. Đặc biệt tôi khá bất ngờ về mức tăng của khu vực công nghiệp quý I năm nay tới 8,53%, gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ hai năm trước (quý I.2013 là 4,48% và quý I.2014 là 4,42%), chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) cũng tăng hơn 9%, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế, ĐBQH Cao Sĩ Kiêm cũng tỏ ra nghi ngờ với mức tăng của hoạt động kinh doanh bất động sản quý I tới 2,55%. “Bất động sản thực sự chưa sôi động và có cải thiện đáng kể nào trong quý I năm nay”-ông Kiêm nói.
Khó khăn vẫn ở phía trước
GDP quý I tăng cao vẫn rất cần được nghiên cứu và đánh giá kỹ song một điều thống nhất từ các chuyên gia là kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thách thức có thể ảnh hưởng lên mức tăng trưởng những quý tiếp theo.
Ông Doanh cho biết, những tháng tới tác động của giá điện, thuế phí lên doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn. Các doanh nghiệp thép, xi măng, thủy hải sản đông lạnh đang kêu trời về giá điện tăng 7,5%. Mặt hàng xăng dầu giảm được thuế này thì lại tăng phí môi trường lên bù vào. Phí đường cao tốc lại được thu làm tăng phí giao thông, vận tải, chuyên chở... Tất cả sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tới đây, doanh nghiệp sẽ khó vươn mạnh lên được.
Khó khăn nữa ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế là vấn đề tỉ giá. Đồng bạc xanh mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt như euro, rup của Nga, yên Nhật, USD Úc... “Những tác động này đều không tốt với chúng ta. Giá thành hàng hóa xuất khẩu của ta sẽ tăng lên khiến cho cạnh tranh hạn chế. Tôi không biết Chính phủ sẽ tháo gỡ thế nào về vấn đề tỉ giá”-ông Doanh chia sẻ.
Tổ trưởng tổ vĩ mô liên ngành ông Cao Viết Sinh thì lưu ý: Việc tăng giá điện, xăng dầu sẽ tác động đến lạm phát quý II. Theo dự báo chỉ số giá tiêu dùng quý II tăng 1 - 1,2%, trong đó mức tăng giá điện đóng góp 0,8%. Ông Sinh khuyến nghị, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho doanh nghiệp từ 1 - 1,5% để đẩy tăng trưởng tín dụng 15 - 17% cho cả năm 2015 và hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế thế giới còn được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu; giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp... Nếu thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì tăng trưởng kinh tế 2015 mới có thể đạt 6,3-6,5%, cao hơn mục tiêu 6,2%.