Gánh nặng trả nợ công sẽ đạt "đỉnh" sau 6 năm nữa

Sáng nay (22/3), ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, thời điểm nợ công phải trả nhiều nhất là giai đoạn năm 2022-2025.

Thông tin trên được ông Trương Hùng Long đưa ra tại buổi họp báo về chính sách cho vay lại nguồn vốn ODA của Chính phủ. Theo ông Long, giai đoạn hiện nay, mỗi năm Chính phủ dành khoảng 155.000 tỷ đồng để trả nợ.

Giai đoạn trước mắt, theo đại diện Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước đang phải tập trung xử lý những khoản vay ngắn hạn trong nước. Đặc biệt, những khoản Chính phủ vay trong giai đoạn 2011-2013, với 70% vốn huy động thông qua tín phiếu, trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, nay tới kỳ hạn phải trả.

Trước năm 2010, Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp, nên các khoản vay thường ưu đãi nước ngoài có kỳ hạn dài từ 30-40 năm, lãi suất thường dưới 1%/năm. Tuy nhiên, từ năm 2010 tới nay, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn ưu đãi cũng giảm dần, thời gian vay chỉ còn từ 20-25 năm (thậm chí chỉ 15 năm), lãi vay khoảng 2%/năm. Thậm chí, một số nhà tài trợ chuyển sang vốn hỗn hợp (vừa hỗ trợ, vừa cho vay thương mại).

Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ tuyên bố chấm dứt ODA với Việt Nam. Sau đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương cũng chuyển dần hình thức hỗ trợ Việt Nam. Việt Nam sẽ phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại.

Cùng với kết thúc cho vay ODA (tốt nghiệp ODA), theo ông Long, Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh (như khoản vay 20 năm, sẽ phải trả trong 10 năm), hoặc tăng chi phí vốn (lãi suất từ 2% lên 3%). “Thời gian từ nay tới tháng 7/2017, chúng ta phải tranh thủ tối đa ngồn vốn ODA còn lại để đầu tư cho hạ tầng. Đồng thời chuyển đổi cơ chế, để khi tốt nghiệp ODA sẽ sẵn sàng bước sang giai đoạn mới”, ông Long nói.

Về nghĩa vụ trả nợ, ông Long cho biết, hiện khoản vay dài nhất của Việt Nam là tới năm 2055. Tuy nhiên, bình quân các khoản nợ phải trả hiện nay khoảng 12 năm. Vì vậy, thời điểm Việt Nam phải trả nợ nhiều là từ năm 2022-2025. Ông Long cho hay, Chính phủ đang làm việc với WB để có lộ trình trả nợ, hạn chế tối đa tác động trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước và chủ đầu tư sử dụng vốn ODA.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN