Gắn mào “taxi điện tử” cho Grab: Có xóa bỏ thế “một mình một ô”?

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo lý giải của bộ GTVT, việc gắn mào 'taxi điện tử" nhằm giải quyết việc Grab bấy lâu nay luôn tranh luận, cho rằng mình là hãng công nghệ, không phải vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là nhiều quy định áp dụng với các loại xe sử dụng hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm (xe Grab), có nội dung giống như taxi truyền thống.

Gắn mào “taxi điện tử” cho Grab: Có xóa bỏ thế “một mình một ô”? - 1

Các hãng taxi công nghệ có thể bị quản lý như taxi truyền thống

Theo dự thảo, các hãng taxi công nghệ sẽ đương nhiên trở thành công ty kinh doanh vận tải, vì họ có quyền quyết định giá cước thông qua phần mềm. Điều này, nhằm giải quyết việc Grab bấy lâu nay luôn tranh luận, cho rằng mình là hãng công nghệ, không phải vận tải.

Để kiểm soát doanh thu và thuế của taxi công nghệ, bộ GTVT đề xuất đơn vị kinh doanh taxi công nghệ phải gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng, đồng thời gửi thông tin về tổng cục Thuế. Phần mềm đặt xe phải tuân thủ quy định về giao dịch điện tử, đăng ký với bộ Công Thương, thông báo với sở GTVT nơi cấp phép kinh doanh.

Với doanh nghiệp kinh doanh đồng thời theo hình thức taxi truyền thống (đồng hồ tính tiền) và công nghệ (phần mềm tính tiền), có thể lựa chọn gắn mào “taxi” hoặc “taxi điện tử”. Ngoài Grab, hiện nay tại Việt Nam còn có các ứng dụng đặt xe khác như: Emddi, Vato... một số hãng taxi truyền thống có phần mềm riêng như: Mai Linh Car, LB.Car, Emddi-Phúc Xuyên, V.Car, Vic.Car, HomeCar...

Với taxi tính tiền thông qua phần mềm, bộ GTVT cũng có điều khoản quy định riêng. Theo đó, taxi công nghệ cũng phải gắn phù hiệu “xe taxi” trên kính xe như taxi truyền thống; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định. Ngoài ra, taxi công nghệ phải có thêm hộp đèn (mào) chữ “taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe. Phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin doanh nghiệp kinh doanh, lái xe, xe, lộ trình, cự ly di chuyển, giá cước...

Bộ GTVT lý giải, việc bổ sung quy định xe taxi tính tiền thông qua phần mềm là “taxi điện tử” nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải; đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị taxi truyền thống và taxi công nghệ. 

Ngoài ra, qua công tác kiểm tra với xe hợp đồng điện tử, cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều tồn tại như doanh nghiệp không cung cấp danh sách lái xe và số phương tiện, một số đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải nhưng không xin cấp phù hiệu cho xe, lái xe không có hợp đồng lao động... Do đó, bộ GTVT cho rằng cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp và lái xe.

Theo ông Lê Đình Quý, Phó giám đốc công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun), Grab cho rằng, hợp đồng ký kết giữa Grab với khách hàng đã được công khai minh bạch, thuận mua, vừa bán. Grab có thời điểm giảm giá thấp, nhưng cũng có lúc áp mức giá rất cao mà hành khách không được biết cho đến khi phải trả tiền. Grab được tùy tiện đặt giá, tăng giảm giá theo ý đồ kinh doanh, giá cước “nhảy múa” vào dịp cao điểm, nhất là ngày lễ, Tết là bất hợp lý và vi phạm Luật Cạnh tranh. Vì vậy, taxi công nghệ phải đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là công bố mức giá trần xem thấp nhất là bao nhiêu, cao nhất là bao nhiêu để khách lựa chọn.

Một số chuyên gia cho rằng, sau khi Grab mua Uber, gần như Grab một mình một chợ nên nguy cơ độc quyền rất cao. Do đó, phải quy định giá trần, giá sàn để bảo đảm minh bạch. Ngoài giá, cần khống chế cả số lượng, niên hạn xe của taxi công nghệ như của taxi truyền thống. Nhiều doanh nghiệp vận tải đồng tình với việc Grab cũng phải gắn mào “taxi điện tử” để tạo sự cạnh tranh công bằng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.G ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN