“Gắn mác” Singapore và Dubai, tiền ảo iFan lừa nhà đầu tư ra sao?

Sự kiện: Kinh doanh đa cấp

Từ khi xuất hiện, tiền ảo iFan, Pincoin luôn được gắn mác là dự án đến từ Singapore, Dubai nhằm tạo lòng tin của nhà đầu tư, dễ dàng huy động vốn.

Ngày 13-4, nhóm các nhà đầu tư tiền ảo iFan bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng qua hình thức huy động vốn đa cấp, đã đến cơ quan công an ở TP HCM nộp đơn tố cáo sáng lập tiền ảo iFan. 

Theo nhóm nhà đầu tư, đội ngũ sáng lập iFan gồm 7 người Việt Nam, trong đó những cái tên được đề cập như Hồ Xuân Văn, Lê Ngọc Tuấn, Vũ Hữu Lợi… nhưng luôn được gắn mác là dự án đến từ Singapore, Pincoin ở Dubai nhằm mục đích tạo lòng tin với các nhà đầu tư.

Về hình thức huy động vốn, Lê Ngọc Tuấn và nhóm phát triển iFan kêu gọi nhà đầu tư mua các đồng tiền ảo iFan (giống như 1 loại cổ phiếu có giá trị nhưng thay vì phát hành cổ phiếu thì họ tạo ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh phải thông qua cơ quan quản lý).

Để tạo lòng tin với nhà đầu tư và quảng bá bán coin, nhóm dự án iFan đã tổ chức một loạt hội thảo hoành tráng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Cụ thể, tháng 9-2017, Diệp Khắc Cường (Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mạng lưới Hữu Nghị (FNC), người mới đây lên tiên phủ nhận mối liên hệ với nhóm iFan), Vũ Hữu Lợi và những người khác trong đội ngũ sáng lập iFan đã tổ chức một sự kiện tại Vũng Tàu ra mắt đồng tiền điện tử iFan, mở bán pre-sale (giữ chỗ) để huy động vốn với giá khởi điểm 1 USD/ đồng iFan. Nhóm cổ đông cũng nói sẽ làm ứng dụng (app) nghệ sĩ trên điện thoại để thanh toán các dịch vụ như album ca nhạc của nghệ sĩ nổi tiếng…

“Gắn mác” Singapore và Dubai, tiền ảo iFan lừa nhà đầu tư ra sao? - 1

Sáu ngày sau căng băng rôn trước trụ sở Công ty Modern Tech, nhóm các nhà đầu tư đã chính thức gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an. Ảnh: Linh Anh

"Nhóm cổ đông còn quảng cáo sẽ mở rạp chiếu phim tại Hà Nội, TP HCM, liên kết với nhà nước để mọi người được mua nhà bên Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ, dùng iFan để thanh toán tiền điện, nước tại Việt Nam và thậm chí cả thẻ tín dụng tiền điện tử cho mọi người" - chị C.A, một nhà đầu tư ngụ tại Củ Chi, TP HCM, kể.

Đến tháng 11-2017, Vũ Hữu Lợi và đội ngũ sáng lập iFan tiếp tục mở bán tiền kỹ thuật số (ICO) của iFan tại trung tâm hội nghị lớn ở TP HCM, giá khởi điểm 1,6 USD/đồng iFan, tiếp tục huy động vốn và nói sẽ làm app học viện tiền điện tử, xây dựng học viện tiền điện tử đầu tư tại Việt Nam; liên kết để nhà đầu tư được mua vé máy bay giá rẻ, mua nhà và định cư ở châu Âu…

Chưa dừng lại, tháng 12-2017, tại một trung tâm hội nghị lớn ở Hà Nội, nhóm của Vũ Hữu Lọi, Lê Ngọc Tuấn và đội ngũ sáng lập iFan tiếp tục hứa hẹn với nhà đầu tư sẽ trả mức lãi suất thấp nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng.

Mô hình kinh doanh của nhóm cổ đông iFan theo dạng đa cấp, kiểu kim tự tháp, có tất cả 8 tầng và lợi nhuận của nhà đầu tư tính theo tầng, thấp nhất 1% và cao nhất 8%.

Sau khi hứa hẹn với nhà đầu tư, huy động được số vốn lớn, nhóm cổ đông sáng lập iFan bất ngờ tuyên bố hủy bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa, thay cách đổi thưởng bằng đồng iFan với giá tự định là 5 USD/đồng iFan, trong khi giá thực tế giao dịch tự do chỉ 0,003 US/đồng iFan.

Với chiêu thức này, theo các nhà đầu tư, nhóm các cổ đông của dự án iFan đã chiếm đoạt của 32.000 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 15.000 tỉ đồng. Do đó, các nhà đầu tư đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để xác minh, làm rõ vụ việc phạm pháp của các đối tượng trên, trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN