Gần 70% doanh nghiệp nhỏ không vay nổi ngân hàng
Khoảng 32% DNNVV tiếp cận được vốn vay ngân hàng thường xuyên, khoảng 35% phản ánh khó tiếp cận, còn lại 33% không thể tiếp cận được vốn ngân hàng.
Theo TS. Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV đã cho biết trong Diễn đàn Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng Châu Phi và các nước ASEAN: "Chỉ có khoảng 32% DN nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được vốn vay ngân hàng thường xuyên, khoảng 35% phản ánh khó tiếp cận, còn lại 33% không thể tiếp cận được vốn ngân hàng".
Việc tiếp cận nguồn vốn khác như: ngân hàng Chính sách, quỹ bình ổn giá… cũng gặp khó khăn. Chỉ có 48,6% số DNNVV có khả năng tiếp cận, 30,4% số DN khó tiếp cận và gần 21% số DN không tiếp cận được.
Vấn đề tự huy động vốn trên thị trường như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn thì phần lớn các DNNVV thường không có đủ điều kiện và uy tín.
So với quy mô tín dụng của toàn nền kinh tế, tỷ trọng dư nợ của DNNVV chỉ chiếm 21,4% nhưng tỷ lệ vay được vốn tín dụng rất thấp khoảng 24,4% với tỷ trọng gần 70% là vay ngắn hạn, gần 90% vay bằng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có xu hướng tăng.
Trong khi đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo lại tăng bình quân 7% suốt trong kỳ và tỷ trọng tài sản đảm bảo so với tổng dư nợ tăng đáng kể, năm 2011 là 161%, năm 2012 là 164% và năm 2013 là 178%. Điều này cho thấy mức độ tín nhiệm thấp và ràng buộc điều kiện tín dụng cao đối với DNNVV.
Các DNNVV hiện đang rất khó vay vốn ngân hàng
Hiện các DN cũng đang rất khó khăn với sự sụt giảm giá trị của tài sản đảm bảo là bất động sản khi đến nay giảm giá trị từ 20-50%. Các ngân hàng thường buộc DNNVV phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo để được duy trì hạn mức tín dụng hoặc được vay mới. Nhiều DNNVV cho biết đây là điều kiện rất khó khăn vì phần lớn tài sản của họ đã thế chấp hết cho ngân hàng.
Một đầu mối bảo lãnh tín dụng uy tín cho cộng đồng DNNVV là ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nhưng tỷ lệ tiếp cận được cũng rất thấp cả về số lượng cũng như giá trị bảo lãnh. Do tỷ lệ rủi ro bảo lãnh cho DN này cao tới gần 27% khiến tỷ lệ từ chối trả thay của VDB cũng khá cao tới trên 18%. Bên cạnh đó, DNNVV cũng cho rằng, mặc dù đã có sự bảo lãnh của VDB nhưng DN cũng không hy vọng được vay vốn thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng, vì chậm triển khai và trở ngại ở thủ tục thẩm định, phê duyệt bảo lãnh không khác gì ngân hàng thương mại cho vay khách hàng thông thường.
TS. Phạm Ngọc Long cho biết thêm, ngân hàng quá thận trọng, co cụm, bảo thủ trong việc cấp vốn tín dụng cho các DNNVV. Thủ tục vẫn còn phức tạp, khó đáp ứng đối với DNNVV, nhất là về tài sản đảm bảo và hệ số xếp hạng khách hàng khắt khe của ngân hàng là nguyên nhân khiến DNNVV không tiếp cận được vốn. Bên cạnh đó, mặc dù mặt bằng lãi suất chung có giảm từ cuối năm 2011 đến nay nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của DN, lãi suất của nợ cũ còn quá cao nhưng chưa được giảm nhiều.
Khu vực DNNVV chiếm đến 97,5% trong tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, đây là lực lượng đông đảo đóng vai trò tích cực giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động.
Do vậy, DNNVV cần sớm được hồi phục đúng hướng, phát triển theo lộ trình và mục tiêu tập trung vào các ngành hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, DN khoa học và công nghệ, DN sản xuất sản phẩm công nghệ cao, DN chế biến hàng xuất khẩu, DN mạng lưới thương mại, dịch vụ, bán lẻ nội địa và cụm sản xuất liên ngành…
Để DNNVV có thể tiếp cận được vốn ngân hàng, theo TS. Phạm Ngọc Long, do DNNVV có vốn thấp, tổng tài sản sinh lời thấp, khó có mức doanh thu đủ lớn để hấp dẫn các ngân hàng, nên cần có cách cho vay mới, chẳng hạn cho vay qua DN đầu mối liên kết nghiên cứu-sản xuất-chế biến-tiêu thụ. Hoặc cho vay theo mô hình bảo lãnh tín dụng trọn gói không cần tài sản đảm bảo, mô hình tín dụng kích cầu có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ…
Song song đó, các cơ quan chức năng hỗ trợ cùng với ngân hàng- DNNVV giải quyết bài toán về thị trường, đất đai, vốn ưu đãi, công nghệ, đào tạo và quản lý trên nền tảng tháo gỡ rào cản, thể chế và minh bạch hóa thông tin, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng.