Facebook: Tội đồ Phố Wall
Bên cạnh nỗi lo ngại nợ công châu Âu, Facebook là nguyên nhân khiến Phố Wall “đổ đèo”.
Chứng khoán Mỹ xóa đi đà tăng trong những giờ giao dịch cuối cùng bởi nỗi lo Hy Lạp sẽ rời khỏi đồng euro và sự trượt giảm của Facebook (FB).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/05/2012, chỉ số Dow Jones giảm 1,67 điểm, tương ứng 0,01%, đóng cửa ở mức 12.502,81 điểm. Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của ngân hàng JPMorgan và Bank of America tăng điểm mạnh nhất phiên này với 4,61% và 2,2% tương ứng.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,64 điểm, tương ứng 0,05% dứng ở mức 1.316,63 điểm. Như vậy, chỉ số này đã quay lại ngưỡng 1.300 điểm quan trọng.
Trong 10 chỉ số ngành trên S&P 500, cổ phiếu ngành ngân hàng và nhà đất có mức tăng mạnh nhất. Cụ thể, chỉ số ngành ngân hàng tiến thêm 0,7% trong khi chỉ số ngành nhà đất có mức tăng tới 1,8%.
Chỉ số Nasdaq giảm 8,13 điểm, tương ứng 0,29%, chốt ở mức 2.839,08 điểm.
Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, vẫn ở trên mức 22 điểm
Có khoảng 7,25 tỷ cổ phiếu giao dịch thành công trên cả 3 sàn giao dịch New York, America Exchange và Nasdaq. Khối lượng này đã cao hơn so với mức bình quân 6,9 tỷ cổ phiếu tính từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh nỗi lo ngại nợ công châu Âu, Facebook là nguyên nhân khiến Phố Wall “đổ đèo”.
Tại sàn giao dịch New York, tỷ lệ cổ phiếu tăng điểm so với số lượng cổ phiếu giảm điểm là 16/15. Trong khi đó, tại sàn giao dịch Nasdaq, tỷ lệ này là 16/9.
Hôm qua, nhiều thông tin vĩ mô tích cực không kéo duy trì được đà tăng của Phố Wall. Hiệp hội Bất động sản Quốc gia cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng tăng 3,4% lên mức bình quân theo năm đạt 4,62 triệu căn trong tháng 4.
Nỗi lo sợ tình hình nợ công ở châu Âu và nguy cơ Hy Lạp rời khỏi đồng euro là nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại với đà tăng của chứng khoán. Bên cạnh đó, Facebook, cổ phiếu gây nhiều ồn ào trong thời gian gần đây tiếp tục suy giảm cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Trong IPO, cổ phiếu Facebook được đấu giá thành công ở mức 38 USD/CP. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ hai, cổ phiếu Facebook để mất 11%. Trong phiên hôm qua, Facebook tiếp đà giảm với tỷ lệ 8,9% về mức 31 USD/CP.
Walter “Bucky” Hellwig, người giám sát 17 tỷ USD tại BB&T Wealth Management ở Birmingham, Alabama cho biết: “Thị trường đã quay ngoắt 180 độ. Về cơ bản, các thông tin ở Mỹ đang trái chiều. Trong khi đó, châu Âu vẫn là yếu tố dẫn dắt thị trường”.
Đầu phiên, thị trường vẫn tiếp đà hưng phấn của ngày hôm qua. Tuy nhiên, tới cuối phiên, cổ phiếu xóa đi đà tăng khi có thông tin cho rằng Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos tuyên bố quốc gia này đang xem xét việc chuẩn bị để rời khỏi đồng euro. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cho cuộc họp diễn ra vào ngày mai để thúc đẩy tăng trưởng.
Đầu phiên, cổ phiếu tăng mạnh khi doanh số bán hàng của các gia đình Mỹ hiện tại đã tăng trong tháng tư trong khi các nhà đầu tư suy đoán Trung Quốc và châu Âu sẽ kích thích tăng trưởng.
Richard Sichel, người giám sát 1,6 tỷ USD tại Philadelphia Trust Co. nhận xét Hy Lạp không phải là nước lớn nhưng nỗi sợ hãi của nó đủ để điều khiển tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy, các yếu tố bên ngoài nước Mỹ sẽ vẫn tác động lớn tới thị trường dù Mỹ có nhiều dữ liệu kinh tế khả quan.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu vẫn duy trì sắc xanh. Chỉ số Stoxx Europe 600 tiếp tục tăng 1,9% đóng cửa ở mức 244,70 điểm. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại khu vực châu Âu, tiếp tục tăng thêm 1,9% lên mức 993,55 điểm.
Có tới 16 trong tổng số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực châu Âu tăng điểm trong phiên này.
Chỉ số chứng khoán FTSE MIB của Tây Ban Nha tăng vọt 3,4% lên mức 13.456,03 điểm. Chỉ số FTSE của Anh tăng 1,86% đóng cửa ở mức 5.403,28 điểm. Chỉ số chung của Pháp - CAC 40 tăng 1,88% đóng cửa ở mức 3.084,09 điểm. Chỉ số chứng khoán của Đức, DAX 30 tăng 1,65% chốt ở mức 6.435,60 điểm.