EVN xài vốn quá “thoáng”

EVN cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vay vốn với lãi suất 1,8%-2%/năm nhưng sau đó vay lại của chính nhà máy này một số tiền lớn với lãi suất lên tới 17%/năm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10-1, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với nội dung kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). “Về cơ bản, kết luận không có nhiều thay đổi so với các nội dung mà báo chí đã đăng tải, phản ánh trong thời gian qua” - ông Khánh nói.

Kiến nghị kiểm điểm tập thể, các cá nhân mắc sai phạm

Theo kết luận thanh tra, công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (DN) gần 122.000 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỉ đồng là chưa thực hiện đúng quy định. Việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán gần 2.000 tỉ đồng vượt tỉ lệ quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ nhận định việc đầu tư vốn ra ngoài DN của EVN chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phê duyệt chi phí “Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng có các hạ tầng đi kèm như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỉ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện là chưa đúng quy định. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng này cũng như đối với các dự án nhà máy, KCN khác và có hướng dẫn cụ thể, phù hợp, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 2-2014.

EVN xài vốn quá “thoáng” - 1

Trong khi luôn thiếu vốn đầu tư cho các dự án điện, EVN vẫn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp gần 122.000 tỉ đồng. Trong ảnh: Công nhân EVN lắp đặt đường dây hạ thế ở quận 7, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân tại EVN và chỉ đạo Bộ Tài chính, Công Thương kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số khuyết điểm nêu trên. Bộ Công Thương khẩn trương ban hành khung giá phát điện và khung giá buôn bán điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao trong Luật Điện lực.

Trả lời thắc mắc về việc quản lý sử dụng vốn của EVN có vấn đề khi bù lỗ tới 3.500 tỉ đồng cho một số DN thành viên, hiện nay vẫn còn khoảng 1.000 tỉ đồng bù lỗ chưa hết và tiếp tục phải bù lỗ nhưng kết luận không đề cập tới, ông Ngô Văn Khánh cho biết: Bù lỗ cho điện hiện nay rất lớn và trong năm nay có chấp nhận bù lỗ dựa trên đặc thù của quá trình sản xuất, cung ứng điện. Đó là điều bình thường trong tổ chức sản xuất điện.

Được yêu cầu giải thích thêm, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho rằng ở nước ngoài nếu xảy ra tình trạng khan hiếm điện do thời tiết thì đơn vị cung ứng có thể tăng giá lên gấp cả chục lần nhưng ở Việt Nam thì khác khi Chính phủ luôn chỉ đạo phải điều tiết, ổn định giá điện. Ông Tri thừa nhận năm 2011, các tổng công ty của EVN đã lỗ hơn 3.000 tỉ đồng và các công ty con bị EVN giao lỗ. Việc giao lỗ xuất phát từ đặc thù của ngành bởi khâu sản xuất và sử dụng điện xảy ra đồng thời.

Vay lại đắt hơn 8 lần cho vay

Báo chí thắc mắc về việc tài liệu kiểm toán cho thấy có chuyện EVN cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vay với lãi suất ưu đãi ODA của Nhật Bản rất thấp nhưng sau đó vay lại của chính nhà máy này với lãi suất rất cao, gây nhiều dư luận không hay. Cụ thể, sau 2 lần cho vay, nhà máy này được vay tổng cộng 300 triệu USD với lãi suất 1,8%-2%/năm và được trả bằng đồng yen Nhật. Tuy nhiên, sau đó, EVN đã vay lại của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại khoản tiền khoảng 2.350 tỉ đồng để đầu tư vào các dự án thủy điện Sơn La và Bản Vẽ với lãi suất thương mại khoảng 17%/năm. Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của EVN và Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho thấy năm 2012, nhà máy còn nợ EVN hơn 6.900 tỉ đồng và phải trả khoản lãi vay là hơn 206 tỉ đồng trong khi nhà máy này lại có khoản thu nhập lãi gần 330 tỉ đồng từ việc cho EVN vay (năm 2011 là trên 210 tỉ đồng) (!).

Thừa nhận phản ánh đó là có thật và đang diễn ra, ông Đinh Quang Tri cho rằng chuyện này xuất phát từ việc Chính phủ cho phép cổ phần hóa và EVN tiến hành đánh giá lại tài sản, cổ phần hóa, chuyển Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại thành Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, hoạt động theo Luật DN.

“Lúc đầu, chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính cho Phả Lại vay trực tiếp luôn nhưng Bộ Tài chính không đồng ý. Khi Phả Lại hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, một số năm họ có lãi lớn. Việc cổ phần hóa tạo ra câu chuyện có những pháp nhân mới, trong đó các cổ đông là các tổ chức tài chính quốc tế và lãi suất vay lại của họ phải theo thỏa thuận” - ông Tri nói. Ông cũng khẳng định Chính phủ cho phép EVN được huy động vốn của công ty con nhưng với điều kiện phải đầu tư vào các dự án điện.

Theo ông Ngô Văn Khánh, giữa hai việc đi vay ODA và EVN vay về thực hiện dự án đầu tư điện không thể gắn với nhau để so sánh, dễ gây hiểu nhầm. 

Thủ tướng chỉ đạo phải công khai giá điện

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2014 ngành công thương ngày 10-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu phải đi liền với giá thị trường. Thủ tướng phân tích: Không thể giữ giá điện thấp nhưng phải hết sức công khai, minh bạch yếu tố hình thành giá trên các phương tiện thông tin đại chúng mà người dân nào muốn cũng tiếp cận được. Định hướng XHCN là phải có công cụ điều tiết, chính sách cho người nghèo, giá điện tăng thì tăng phần hỗ trợ này lên.

Thủ tướng chỉ đạo các DN nhà nước tiếp tục tiến trình cổ phần hóa, tính toán lộ trình giảm bớt cổ phần của nhà nước nắm giữ, lĩnh vực nào nhà nước không cần giữ 65% trở lên thì giảm.  

Ph.Nhung

Lương lãnh đạo trên 36 triệu đồng/tháng

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính đề xuất xử lý số tiền trên 8,3 tỉ đồng (gồm 3,1 tỉ đồng do thẩm định tiền lương của hội đồng thành viên, tổng giám đốc EVN) năm 2010 chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 5,2 tỉ đồng do mua ô tô vượt định mức quy định. Theo ông Đinh Quang Tri, hội đồng thành viên EVN hiện có 6 người, lương của lãnh đạo EVN dựa trên tổng quỹ lương và được chia theo định mức quy định của Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội duyệt. Theo quy định, tiền lương không được vượt quá 36 triệu đồng/người/ tháng và được hưởng chênh lệch tối đa thêm 0,5%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Kha (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN