EVN phải “đoạn tuyệt” với ngân hàng, BĐS?
Chính phủ vừa công bố dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Điểm đáng chú ý, là Chính phủ sẽ thống nhất thành lập Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, trên cơ sở nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp 1); các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo; các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp 2); các công ty con của doanh nghiệp cấp 2 và các cấp tiếp theo và các doanh nghiệp liên kết của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Theo dự thảo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN) là công ty mẹ trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trong dự thảo lần này, Chính phủ đã “cấm cửa” hẳn hoạt động đầu tư bất động sản, ngân hàng đối với EVN.
Vốn điều lệ của EVN tại thời điểm 31/12/2012 là 143.404 tỷ đồng, với các chức năng chủ yếu của là tiến hành các hoạt động đầu tư, ký kết các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra có chức năng đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con trên cơ sở tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật…
Dự thảo nghị định cũng quy định rõ, mục tiêu kinh doanh của EVN là “kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao”.
Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ chủ trương quy định rõ một số ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, gồm: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện…
Ngoài ra, EVN cũng được hoạt động trong một số ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, trang bị bảo hộ lao động; đầu tư tài chính và kinh doanh vốn mà Nhà nước giao cho EVN; kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin trong và ngoài nước, quản lý hệ thống thông tin nội bộ…
Dự thảo yêu cầu EVN phải có nghĩa vụ trong việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn tự huy động. EVN phải tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của EVN trong phạm vi số tài sản của tập đoàn; tự chủ về tài chính, tự cân đối về các khoản thu chi; kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư do chủ sở hữu nhà nước giao.
Như vậy, so với quy định cũ, điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là Chính phủ đã “cấm cửa” hẳn hoạt động đầu tư bất động sản, ngân hàng đối với EVN, sau khi tập đoàn đã không có được thành công trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, so với đề án tái cơ cấu một số tập đoàn kinh tế mới được Thủ tướng phê duyệt, chẳng hạn như Viettel, trong đó vẫn cho phép tập đoàn này được đầu tư lĩnh vực bất động sản, thì nghị định về quy chế hoạt động của EVN đã có phần “siết” chặt hơn. Ngay cả lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, Chính phủ cũng chỉ cho phép EVN tham gia các mảng cụ thể như nghiên cứu, tư vấn đào tạo.