EVN bị truy thu hơn 1.900 tỷ đồng tiền thuế

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định truy thu 1.935,281 tỷ đồng do phát hiện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hạch toán sai một số khoản chi phí.

Cụ thể, theo quyết định nói trên, Bộ Tài chính quyết định Công ty mẹ- Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN phải thực hiện nộp ngân sách số tiền 1.935,281 tỷ đồng, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là  88,257 tỷ đồng, năm 2016 là 969,563 tỷ đồng và nộp lợi nhuận sau thuế năm 2015 là 877,460 tỷ đồng.

Số tiền phải nộp này, theo Bộ Tài chính là do năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341, 722 tỷ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại thông báo số 8658/VPCP-KTTH ngày 12/10/2016 của Văn phòng Chính phủ".

Cụ thể, cuối năm 2015 và giữa năm 2016, Bộ Công thương đã có 2 công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh với nộng dung do chưa có nguồn lực dự phòng để thanh toán khoản 60 triệu USD nên EVN đề nghị được phân bổ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN trong các năm tiếp theo, dự kiến từ năm 2016. Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phân bổ khoản chi phí EVN chưa thanh toán cho PVN trong giai đoạn 2012 đến thời điểm cước phí được duyệt vào các năm tiếp theo. 

EVN bị truy thu hơn 1.900 tỷ đồng tiền thuế - 1

Hình minh họa

Trong công văn tiếp theo, Bộ Công thương cho biết khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh là khoảng 85,26 triệu USD, EVN cam kết thanh toán trong 2 năm 2016-2017 trên cơ sở Nhà nước chấp nhận lộ trình thanh toán này giá điện. Bộ Công thương kiến nghị chấp thuận phương án phân bổ khoản chi phí chưa thanh toán do chênh lệch giữa cước phí tạm tính và cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh. 

Trong văn bản trả lời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý phương án phân bổ khoản chi phí chưa thanh toán do chênh lệch cước phí tạm tính và cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015 trong 2 năm 2016 và 2017, và giao Bộ Công thương hướng dẫn EVN, PVN và các cơ quan liên quan thực hiện thanh toán theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Được biết, chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh mà EVN phải trả cho PVN là 1.938 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN đã không thực hiện đúng chỉ đạo là phân bổ trong vòng 2 năm 2016 và 2017 như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mà lại hạch toán phân bổ vào năm 2015 và 2016, dẫn đến làm giảm lợi nhuận thực hiện năm 2015 là 1.341 tỷ đồng. 

Số thuế thuế thu nhập doanh nghiệp phải kê khai bổ sung là 88,257 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai bổ sung NSNN là 877,460 tỷ đồng. Nhận xét về sai phạm này, một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho rằng dù hạch toán tới 70% khoản chênh lệch cước phí này từ năm 2015 nhưng EVN vẫn báo cáo Bộ Công thương xin Chính phủ được phân bổ vào năm 2016 và 2017. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã nói một đằng làm một nẻo. Sai về nguyên tắc tài chính.

Một sai phạm nữa mà EVN mắc phải đó là ENV “quên” hạch toán doanh thu hoạt động tài chính năm 2016 số tiền là hơn 4.847 tỷ đồng là lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. EVN phải kê khai bổ sung và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 đối với lãi chênh lệch tỷ giá nêu trên là hơn 969,5 tỷ đồng. Phần tiền còn lại 3.878 tỉ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức.

Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Thuế đôn đốc chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội thực hiện thu số tiền 1.935 tỷ đồng của EVN trước ngày 28-12-2017.

EVN nói gì?

Liên quan đến thông tin EVN “cố tình hạch toán sai ngàn tỷ để né thuế”, vấn đề hạch toán cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015 và khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ, chiều 28-12, Tập đoàn này đã chính thức lên tiếng. 

Thứ nhất, theo EVN, Tập đoàn đã phân bổ hơn 1.000 tỷ vào chi phí năm 2015 thay vì 2017. Về khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng, EVN cho biết chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Đây là một trong số các dự án nguồn điện hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ EVNGENCO1. Tuy nhiên, dự án lại sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản) nên theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVNGENCO1. 

Sau khi EVN báo cáo, Bộ Công Thương đã có công văn số 2818/BCT-TCNL ngày 2/4/2013 thống nhất việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án; sau khi nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao cho EVNGENCO1. Do vậy, EVN cho rằng Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc EVNGENCO1 và khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng phải chuyển giao cho EVNGENCO 1 hạch toán theo quy định. Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31/12/2017. 

Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để EVNGENCO 1 hạch toán - EVN giải thích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Thúy - Vũ Hân (CAND)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN