ECB hạ lãi suất kỷ lục, Phố Wall thờ ơ

Kết thúc phiên giao dịch 5/7, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm do nhà đầu tư đang chờ đợi bản báo cáo việc làm tháng 6 sẽ được Chính phủ Mỹ công bố trong ngày hôm nay (6/7). Có vẻ như các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương chưa đủ sức làm nhà đầu tư chú ý.

Kết thúc phiên giao dịch 5/7, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm do nhà đầu tư đang chờ đợi bản báo cáo việc làm tháng 6 sẽ được Chính phủ Mỹ công bố trong ngày hôm nay (6/7). Có vẻ như các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương chưa đủ sức làm nhà đầu tư chú ý.

Theo kế hoạch, hôm nay, Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp trong tháng 6. Số liệu sẽ cho thấy những tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu lên kinh tế Mỹ như thế nào. Giới phân tích dự báo, trong tháng qua, kinh tế Mỹ đã có được 90.000 việc làm mới, mức này sẽ không tạo được bước đột phá lớn về tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình việc làm sẽ có tác động đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư, bởi lẽ nếu báo cáo này không lạc quan, bức tranh kinh tế Mỹ vốn dĩ đã ảm đạm sẽ càng trở nên tăm tối hơn. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang có nhiều tín hiệu lạc quan, nhà đầu tư tất yếu sẽ tập trung sự quan tâm nhiều hơn vào triển vọng nền kinh tế đầu tàu.

Sự chờ đợi báo cáo việc làm của giới đầu tư chứng khoán cũng cho thấy thái độ thờ ơ trước động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hôm qua, ECBhạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,75% như dự báo. Động thái này sẽ hạ mức thanh toán lãi suất hàng năm đối với 1.000 tỷ Euro các khoản vay kỳ hạn 3 năm bớt 2,5 tỷ Euro.

ECB cũng hạ lãi suất huy động qua đêm đối với các ngân hàng gửi tiền tại ECB từ 0,25% xuống 0%. Lãi suất này đóng vai trò như một mức sàn cho thị trường tiền tệ nên động thái của ECB có thể khuyến khích các ngân hàng cho vay lẫn nhau thay vì chỉ gửi tiền vào ECB. Được biết tổng số tiền mà các ngân hàng gửi vào ECB hàng đêm lên tới 800 tỷ Euro.

Việc ECB hạ chi phí vay mượn cho thấy định chế tài chính này sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế. Song theo giới phân tích, đây không phải là "thần dược" đối với các vấn đề của Khu vực đồng Euro, bởi các khó khăn ở khu vực này xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin vào tài chính quốc gia và hệ thống ngân hàng. Do đó, tác động của nó tới chứng khoán không lớn.

Hôm qua, nhóm cổ phiếu tài chính trên thị trường chứng khoán chịu áp lực mạnh nhất. Chỉ số S&P khu vực tài chính và chỉ số KBW ngân hàng giảm khoảng 1,5%. Trong số các mã giảm giá, đáng chú ý nhất là cổ phiếu của JPMorgan Chase tuột dốc tới 4,2% xuống còn 34,38 USD, cổ phiếu của ngân hàng Bank of America giảm mạnh 3% còn 7,82 USD.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 47,15 điểm, tương ứng 0,36%, xuống còn 12.896,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,44 điểm, tương ứng 0,47%, xuống đóng cửa ở mức 1.367,58 điểm. Ngược dòng, chỉ số Nasdaq Composite gần như đi ngang so với mức chốt phiên liền trước khi chỉ nhích 0,04 điểm, lên 2.976,12 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức rất thấp, do nhiều nhà đầu tư vẫn chưa trở lại thị trường sau ngày lễ. Khoảng 5,19 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 7,84 tỷ cổ phiếu của năm ngoái. Số cổ phiếu giảm điểm trên sàn New York chiếm 54%, sàn Nasdaq là 52%.

ECB hạ lãi suất kỷ lục, Phố Wall thờ ơ - 1

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Lâm (VnEconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN