Đừng vội khởi nghiệp nếu bạn có 7 dấu hiệu này
Mặc dù xu hướng khởi nghiệp đang nổi lên tại Thung lũng Silicon, không phải ai cũng phù hợp với công việc này.
Rani Langer-Croager, đồng sáng lập Uptima Business Bootcamp, nói với Business Insider: “Tạo dựng và phát triển sự nghiệp kinh doanh tốn nhiều sức lực và có nhiều rủi ro”. Từ yếu tố mạo hiểm đến tài chính cá nhân, bà chia sẻ 7 dấu hiệu bạn chưa nên khởi nghiệp.
1. Bạn không dám mạo hiểm
Theo Fundera, sự thực phũ phàng là khoảng 70% công ty khởi nghiệp bị phá sản trong vòng 10 năm. Ngay cả khi sản phẩm hay dịch vụ của bạn tốt, bạn có thể gặp phải rất nhiều trở ngại, từ việc hết tiền đến hết nhiệt huyết. Để xử lý rủi ro này, “mỗi doanh nhân nên chấp nhận điều này sẽ xảy ra”. Bà nói thêm: “Bạn nên để công ty tự phát triển, đừng nghĩ là phải có lợi nhuận. Điều này giúp đối mặt rủi ro dễ dàng hơn”.
2. Bạn có “tư duy khan hiếm”
Langer-Croager cho rằng: “Những người có tư duy khan hiếm nghĩ là họ không có đủ cơ hội hay nguồn vốn”. Điều này sẽ khiến bạn tuyệt vọng, và thay vì chờ cơ hội tốt hơn, bạn lại theo đuổi con đường sai lầm gây hại đến công ty của bạn. Đây là cạm bẫy với cả doanh nhân nhiều kinh nghiệm khi khủng hoảng. Theo bà, “xử lý vấn đề tài chính và hiểu rằng khó khăn đó có thể lâu dài” là một việc cần thiết để loại bỏ chướng ngại trong quá trình trở thành ông chủ của chính mình.
3. Bạn muốn thu lợi nhuận nhanh
Theo báo cáo của Small Business Trends, chỉ 40% các công ty khởi nghiệp thực sự kiếm được lợi nhuận và 82% thất bại của các doanh nghiệp nhỏ là vấn đề dòng tiền. Langer-Croager nói, công ty của bạn có thể tốn hàng năm trời để kiếm được lợi nhuận đủ để bạn có mức lương tối thiểu. Bà nói thêm: “Nếu bạn đang cố kiếm tiền thật nhanh, bạn sẽ đặt rất nhiều áp lực nên công ty của bạn mà không cho nó tự phát triển theo cách của nó.”
Không phải ai cũng phù hợp công việc khởi nghiệp.
4. Bạn không hiểu rõ tài chính của công ty
Theo Langer-Croager, một doanh nhân cần hiểu tài chính công ty của mình. Nếu bạn không theo dõi tình hình tài chính, bạn có thể sẽ bỏ lỡ những manh mối quan trọng để điều chỉnh kế hoạch dựa trên thực tế. Bà nói: “Không chú ý đến tài chính có thể khiến bạn đưa ra quyết định cảm tính thay vì có cơ sở.” Và điều đó có thể báo hiệu một thảm họa cho công ty của bạn.
5. Bạn không có kế hoạch kinh doanh
Theo kết quả từ Nghiên cứu dữ liệu bảng về sự thay đổi qua thời gian của doanh nghiệp II, Đại học Michigan, một kế hoạch tốt sẽ tăng khả năng tồn tại của công ty bạn. Bà Langer-Croager nói: “Tôi khuyên bạn, nếu bạn đang chuẩn bị khởi nghiệp, hãy khảo sát thị trường rồi lập kế hoạch. Ngay cả khi bạn đang điều hành công ty, điều này vẫn chưa quá muộn bởi nó sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu và kiên trì với nhiệm vụ của mình.”
6. Bạn chưa nghiên cứu ý tưởng kinh doanh trên thị trường
Theo khảo sát “phân tích thất bại của công ty khởi nghiệp” của CB Insights, nguyên nhân hàng đầu gây phá sản là sản phẩm không có thị trường. Langer-Croager cho hay: “Bạn có thể sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tạo nên một sản phẩm mà không phù hợp với thị trường, vậy nên hãy khảo sát thị trường trước khi thực hiện ý tưởng của mình”. Bạn có thể nghiên cứu thị trường để thử nghiệm vài bản mẫu trước, hay nhờ giúp đỡ từ cố vấn tổ chức SCORE có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của bạn.
7. Bạn không sẵn sàng ra ngoài tiếp thị
Nếu bạn biết ai đó tự kinh doanh, bạn có lẽ đã từng nghe họ phàn nàn về tiếp thị - một trong những việc chủ doanh nghiệp không muốn làm nhất. Bà Langer-Croager nói: “Vì là công ty tư nhân, bạn phải tự tin tiếp thị cho chính mình. Nếu bạn không thể vượt qua nỗi sợ là tâm điểm sự chú ý, khởi nghiệp sẽ không dành cho bạn."
Ít ai biết, cô gái này từng phải ra ngoài làm việc ngay từ khi mới chỉ học cấp 2.