Đừng cố mua nhà để ôm đau khổ!
"Chưa có điều kiện lại vay mượn, gồng mình lên bằng mọi giá để mua được một căn nhà chỉ với mục đích sở hữu liệu có thông minh. Việc đó sẽ xáo trộn hết tất cả các hoạt động sống của mình. Lúc nào cũng căng thẳng, lo lắng, áp lực quá vì những món nợ phải trả… thì có nên hay không?", đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT Sàn bất động sản DTJ, dành cho phóng viên.
Mong muốn chính đáng nhưng khó khả thi
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở, theo Quyết định 167, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có gợi ý rằng, nhà ở thu nhập thấp chỉ nên có giá từ 2 - 4 triệu đồng. "Gợi ý của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển nhà ở xã hội với giá 2 - 4 triệu đồng/m2 là tốt cho xã hội, đặc biệt là người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, mức giá này rất khó khả thi bởi nằm dưới cả giá gốc doanh nghiệp đầu tư", ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.
Ý tưởng về nhà ở thu nhập thấp có giá 2 - 4 triệu đồng/m2 có thực tế không thưa ông?
Ý tưởng đó tốt cho xã hội và người dân. Nhưng hiện trong quy định khung bảng giá đất cho các tỉnh, thành phố, giá tối thiểu cho doanh nghiệp đã cao hơn thế rồi, cộng với tiền xây nữa. Giờ giá xây dựng một căn nhà cấp 4 tối thiểu cũng phải 4 triệu đồng/m2. Không thể có chuyện bán đến tay người dùng mà doanh nghiệp lỗ được. Như vậy thì nó có khả thi hay không? Khó mà khả thi nếu không bao gồm các chính sách đi kèm!
Nhưng giá đó là mơ ước của người nghèo?
Đó là mong muốn chính đáng. Tôi nghĩ rằng, để ý tưởng đó mang tính khả thi thì nhà nước phải hỗ hợ doanh nghiệp đất, đầu tư, ưu đãi vay vốn... Mà để đầu tư tất cả những khoản đó thì không nhỏ.
Vậy theo ông, phải làm thế nào để người nghèo mua được nhà?
Một trong những ý tưởng của tôi là trong quy hoạch sử dụng các khu đất vàng để đấu thầu, bán. Như vậy, vừa có tiền đầu tư vào khu đất, vừa phát triển được nhà ở xã hội. Tránh tình trạng đất vàng giao cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội thì không thể nào có giá thấp được. Dẫn tới việc doanh nghiệp không có tiền làm hạ tầng, người ta đầu tư vào nhà cửa chất lượng thấp. Ví dụ như khu Nam Trung Yên hiện nay giống như một khu đô thị "ma", xây rồi không ở được vì hạ tầng quá kém, cơ sở vật chất rất kém.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT Sàn bất động sản DTJ
Doanh nghiệp bán lỗ giá vẫn cao so với thu nhập thấp
Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào mảng nhà ở xã hội như thế nào thưa ông?
Doanh nghiệp không mặn mà. Có nhiều bất cập như vốn vay rất khó khăn, tiền sử dụng đất cao, rủi ro lớn... Rủi ro lớn mà lợi nhuận lại thấp nên doanh nghiệp không mặn mà là phải. Một dự án nhà khoảng 300 căn hộ với 20 - 25 tầng thì từ lúc khởi công đến khánh thành là mất 3 năm. Còn tính riêng việc lo giấy tờ nữa thì cũng mất thêm khoảng 2 năm. Vì vậy, thời gian của doanh nghiệp cũng là tiền. Họ phải lựa chọn rủi ro ít hơn.
Được biết, nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, không lẽ nó chưa đi vào cuộc sống?
Chính sách cũng có nhưng việc tiếp cận và giải ngân, cơ chế để nó hoàn thành cũng rất lâu. Bên cạnh đó, rủi ro lãi suất, lợi nhuận thấp, khiến doanh nghiệp không quan tâm lắm.
Phải chăng vì thế mà giá nhà đất dù có hạ đến đáy vẫn cứ là niềm mơ ước xa vời của người thu nhập thấp?
Theo tôi, sòng phẳng mà nói, khả năng thu nhập và tài chính của mỗi người mỗi khác. Trong xã hội không thể ai cũng có nhà. Không phải ai cũng có khả năng mua được nhà. Nhưng trong một đất nước phát triển thì người có tiền sở hữu nhà, người không có tiền thì có thể đi thuê. Đó cũng là một lựa chọn thông minh.
Ý ông là đừng tiếp tục hy vọng mua nhà?
Thực sự là để người nghèo mua được nhà ở thị trường nhà thương mại là rất khó. Ngay cả khi doanh nghiệp đã bán ra với giá gốc hoặc thậm chí là chịu lỗ thì giá nhà vẫn cứ cao so với thu nhập.
Chính tôi cũng đang đi thuê nhà
Như ông vừa nói, không có tiền mua nhà thì đi thuê. Thế nhưng người Việt Nam mình lại có tâm lý "an cư lạc nghiệp". Liệu thuê nhà có là giải pháp tốt?
Theo tôi thì thuê nhà là một cách sử dụng đồng tiền thông minh. Chính tôi cũng đang đi thuê nhà. Nếu có cầu ắt sẽ có cung. Vừa rồi, Bộ Xây dựng lên kế hoạch phát triển quỹ nhà cho thuê. Và phải nói thêm rằng đối với doanh nghiệp bất động sản trong khoảng hơn 1 năm gần đây thì cái cách suy nghĩ kinh doanh đã khác. Không phải là siêu lợi nhuận nữa mà là có lợi nhuận tối thiểu so với các ngành khác thôi. Lấy cái dài hạn làm chính. Vì thế, phát triển nhà cho thuê là tạo điều kiện để nhiều người có khả năng tài chính tương ứng sử dụng dịch vụ này.
Nhưng hiện nay dường như thị trường nhà cho thuê theo kiểu một công ty chuyên kinh doanh vẫn còn quá mới?
Thị trường nào cũng phải có quá trình hoàn thiện dần.
Giả sử, tôi nung nấu ý định phải mua bằng được một căn nhà, dù thu nhập của tôi chỉ 5 triệu đồng/tháng, ông sẽ có lời khuyên thế nào?
Phải lựa theo tình hình tài chính, đặc điểm công việc của mình để xem thế nào là tốt nhất cho mình. Chưa có điều kiện lại vay mượn, gồng mình lên bằng mọi giá để mua được một căn nhà chỉ với mục đích sở hữu liệu có thông minh? Việc đó sẽ xáo trộn hết tất cả các hoạt động sống của mình. Lúc nào cũng căng thẳng, lo lắng, áp lực quá vì những món nợ phải trả... thì có nên hay không? Đừng cố để mua được cái nhà để rồi ôm khổ đau! Đây là sự hoạch định tài chính cá nhân phù hợp, để cuộc sống thoải mái.
Thế nhưng đi thuê nhà mãi thì liệu có "an cư" được?
Đi thuê nhà không có nghĩa là vất vưởng, không ổn định. Giờ thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ nên việc thuê một căn hộ phù hợp với điều kiện thu nhập là rất đơn giản. Nếu bạn sống ở một nơi rất là xa, đi lại rất khó khăn, hạ tầng thấp kém nhưng vẫn chấp nhận sống ở đó chỉ vì được sở hữu cái nhà, thì tôi nghĩ đó cũng không phải là lựa chọn tốt.
Nhưng thị trường nhà cho thuê hiện vẫn chưa thực sự hình thành theo cách quy củ, đa số là do tư nhân tự phát làm, liệu giải pháp này có khó khăn?
Có rất nhiều khu chung cư cho thuê nhà với giá cả khá phải chăng. Chỉ cần đến bất cứ công ty hoặc sàn giao dịch bất động sản nào là có thể tìm được.
Xin cảm ơn ông!
Số người có nhu cầu nhà ở thật rất nhiều nhưng vẫn không thể mua, dù giá đã xuống thấp. Cái này có nguyên nhân về quy hoạch. Rất nhiều người có đủ tiền mua nhà vùng ngoại thành, nhưng vì phải đi lại quá xa so với chỗ làm nên họ không mua. Giao thông, hạ tầng cơ sở, dịch vụ… tại những khu này cũng chưa phát triển kịp. Khu cần mua thì không có hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu. Cung và cầu ở đây chưa gặp nhau dẫn đến nhà vẫn ế. |