Đừng bi quan khi kinh tế tăng trưởng chậm lại
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi để trở thành nền kinh tế có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, tiến tới mối quan hệ kinh tế bình đẳng hai bên cùng có lợi với Trung Quốc.
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay chỉ xấp xỉ 5% và lạm phát thấp dưới 6% như Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 công bố sáng 29/5.
Việt Nam cần chú trọng đầu tư kinh tế biển
Tăng trưởng kinh tế sẽ giảm
TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ biên soạn báo cáo nhận định rằng: “Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả. Điều này đã làm biến dạng mục tiêu mong muốn của Chính phủ và đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Nói cách khác, nền kinh tế dù đang phục hồi nhưng vẫn rất mong manh”.
"Trong giai đoạn khó khăn, thử thách này, Việt Nam càng phải thực hiện quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, con đường phát triển và tư duy điều hành nền kinh tế, nhất là nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc”. TS. Nguyễn Đức Thành |
Đáng chú ý, báo cáo này đã đưa ra mức dự báo hai kịch bản cho viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay. Đáng chú ý là cả hai kịch bản đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 dưới 5%.
Ở kịch bản thấp, VEPR dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, lạm phát 4,76% trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88% và lạm phát là 5,51%. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, tại thời điểm tháng 2/2014, VEPR còn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 thậm chí đạt từ 5,6- 5,9%. GDP 2014 được Quốc hội thông qua là 5,8%.
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, sở dĩ dự báo GDP giảm đến mức dưới 5% là báo cáo đã cập nhật những số liệu kinh tế vĩ mô trong nước trước diễn biến mới là tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Lê Đăng Doanh nhận định, mặc dù có thể gây những tác hại, ảnh hưởng trước mắt đến nền kinh tế, song về lâu dài, đây cũng là cơ hội để kinh tế Việt Nam thay đổi, trở thành nền kinh tế có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, tiến tới mối quan hệ kinh tế bình đẳng hai bên cùng có lợi với Trung Quốc.
Nên để thị trường bất động sản tự điều chỉnh
Đưa ra những giải pháp cho nền kinh tế những tháng cuối năm, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Việt Nam cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, qua đó, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Cùng đó, Chính phủ cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn, quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn. Ngoài ra, vì lạm phát kỳ vọng có thể thấp dưới 6%, cùng với sự dư thừa thanh khoản trong ngân hàng, báo cáo cho rằng sức ép hạ lãi suất huy động vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, Chính phủ cần chú ý để không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiễn sang trạng thái âm.
Đối với thị trường bất động sản, nên để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh, xuống giá. Nói về định hướng của chính sách tỷ giá, theo TS. Thành, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà chính sách tỷ giá cần một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước. “Sau giai đoạn căng thẳng trên biển Đông với Trung Quốc, nên có sự điều chỉnh tỷ giá vì điều kiện vĩ mô thuận lợi như hiện nay không có nhiều” - TS. Thành nhận định.
Riêng về vấn đề nợ xấu, báo cáo khuyến nghị các nhà quản lý cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nguồn lao động; Xác định những đối tác chiến lược và hướng đi mới để tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trước những biến động của tình hình khu vực cũng như thế giới.