Đưa vàng vào trật tự mới

Thị trường vàng đang từng bước ổn định nhưng nhà nước cần tăng cường giải quyết các yếu tố về giá cả, cung - cầu, xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng…

Với mức tiêu thụ bình quân 80 tấn vàng/năm, Việt Nam nằm trong tốp 10 thị trường vàng lớn nhất thế giới. Thế nhưng, do dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn hạn chế, cán cân thanh toán vãng lai thường bị âm… nên Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, thiết lập trật tự mới cho thị trường. Sau 1 năm thực thi Nghị định 24, thị trường vàng Việt Nam đã từng bước ổn định nhưng cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.

Quy vàng về một mối

Theo Nghị định 24, Ngân hàng (NH) Nhà nước là đơn vị duy nhất được phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức sản xuất, phân phối, kiểm soát sản phẩm vàng miếng. Nghị định 24 cũng quy định khá khắt khe về điều kiện kinh doanh vàng nữ trang.

Được chọn là thương hiệu vàng quốc gia, SJC đang chi phối thị trường vàng.

Đưa vàng vào trật tự mới - 1

Trong ảnh: Sản xuất vàng miếng tại Công ty SJC. Ảnh: HỒNG THÚY

Trong 5 tháng đầu năm 2013, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp. Các quỹ đầu tư ồ ạt bán vàng, thậm chí giới đầu tư còn bán khống trên sàn vàng. Có thời điểm (giữa tháng 4-2013), giá vàng thế giới “bốc hơi” gần 20% trước khi tăng trở lại 1.400 USD/ounce... Tuy giá vàng thế giới nhiều biến động nhưng thị trường vàng trong nước không có hiện tượng người dân đổ xô mua - bán vàng. Giới đầu cơ không còn thao túng thị trường để kiếm lời, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý đã được thể hiện.

Cụ thể, NH Nhà nước lựa chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) gia công vàng miếng cho NH Nhà nước là phù hợp với thị trường. Bởi, với hơn 20 triệu lượng đã được tung ra thị trường, Công ty SJC đã chiếm 90% thị phần của thị trường vàng Việt Nam. Mặt khác, suốt thời gian dài, các NH thương mại và doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu đều thuê Công ty SJC gia công thành vàng SJC. Năng lực sản xuất của Công ty SJC cũng phù hợp với nhu cầu của NH Nhà nước. Việc chọn Công ty SJC làm đơn vị gia công giúp cho nhà nước tiết giảm chi phí khi không phải đầu tư ra mắt một thương hiệu vàng mới...

Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách độc quyền về sản xuất vàng miếng, NH Nhà nước đã không chủ động thu hồi và quy đổi các thương hiệu vàng khác thành vàng SJC khiến trên thị trường xuất hiện nhiều loại vàng giả 9999, đồng thời dẫn đến giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi quá nhiều, có lúc trên dưới 6 triệu đồng/lượng, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Chủ động cân đối cung - cầu

Trước khi Nghị định 24 có hiệu lực thi hành (tháng 5-2012), nguồn cung vàng tại Việt Nam chủ yếu là do Công ty SJC và một số ít DN nhập vàng nguyên liệu về sản xuất và bán ra hoặc do các NH thương mại bán ra một phần số vàng đã huy động được và các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán ra đề chốt lời. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chỉ còn nguồn cung duy nhất là từ NH Nhà nuớc qua việc đấu thầu bán vàng miếng.

Trong khi đó, nhu cầu vàng của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo mới nhất của NH Nhà nước, 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ bình quân của Việt Nam từ 50-60 tấn vàng/năm. Số liệu do NH Nhà nước công bố cho thấy: Năm 2012, các NH thương mại đã thu gom 80 tấn vàng và 6 tháng đầu năm 2013 còn phải mua thêm 20 tấn mới tất toán xong trạng thái vàng huy động vào ngày 30-6 sắp tới. Tính ra, chỉ trong 1 năm rưỡi, các NH thương mại đã mua 100 tấn vàng. Đó là chưa kể đến sức tiêu thụ nữ trang và vàng miếng từ người tiêu dùng cũng khá lớn. Trong số hơn 25,3 tấn vàng mà NH Nhà nước đã bán ra từ ngày 28-3 đến 6-6, có đến 50% do các DN vàng mua rồi phân phối lại cho người tiêu dùng. Như vậy, thị trường bán lẻ này đã tiêu thụ bình quân hơn 6 tấn vàng/tháng. Dự báo nhu cầu tiêu thụ vàng miếng trong 6 tháng cuối năm 2013 tại Việt Nam có thể lên đến trên 30 tấn...

Vấn đề nhiều người quan tâm là từ nay đến cuối tháng 6-2013, khả năng NH Nhà nước sẽ tiếp tục bán thêm vàng, nâng tổng số vàng bán qua đấu thầu lên đến 30 tấn. Sau thời điểm này, NH Nhà nước có thể ngưng hoặc chỉ bán nhỏ giọt vì e ngại tiêu tốn thêm ngoại tệ... Nếu điều này trở thành hiện thực thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng nguồn cung. Khi đó, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có thể tăng cao, kích thích việc nhập lậu vàng, tác động không tốt đến tỉ giá hối đoái, tạo sức ép lên lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô... Do đó, muốn giữ được mức chênh lệch hợp lý, NH Nhà nước cần chủ động cân đối cung - cầu ngoại tệ, tiếp tục duy trì bán vàng dự trữ theo nhu cầu của thị trường rồi nhập khẩu vàng bù lại số vàng đã bán. Đây là biện pháp tốt nhất để kéo giá vàng trong nước giảm thêm, lùi dần về sát với giá vàng thế giới.

Mạnh tay với giao dịch ngoài luồng

Tuy NH Nhà nước chỉ cấp phép kinh doanh vàng miếng cho 38 NH và DN với 2.488 điểm chính thức mua bán vàng miếng nhưng hiện nay, nhiều tiệm vàng tư nhân vẫn vô tư giao dịch vàng miếng SJC. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải mạnh tay hơn. Mặt khác, hệ thống phân phối vàng miếng của các NH thương mại và DN cần được phân bố rộng khắp cả nước, luôn có sẵn vàng để cung ứng cho người tiêu dùng với mức giá và biên độ mua bán hợp lý. Từ đó, việc mua bán vàng miếng ở các tiệm vàng tư nhân sẽ dần dần bị xóa bỏ.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Trung Khánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN