Đua hạ lãi suất, doanh nghiệp chớ vội mừng
Dư thừa thanh khoản, các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất quá thấp so với mặt bằng lãi suất trên thị trường được đánh giá là chiêu bài không khả dụng. Bởi nếu ngân hàng chỉ hạ lãi suất mà không “nới” điều kiện vay, thì khách hàng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, chưa kể một số ngân hàng không trung thực trong hợp đồng vay vốn làm mất niềm tin của khách hàng.
Khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay trước khi đặt bút ký
Đua cho vay lãi suất thấp
Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động là 7%, lãi suất cho vay đối với các cá nhân, doanh nghiệp từ 12-15%/năm, với các lĩnh vực ưu tiên như: Nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp… phổ biến ở mức 10-13%/năm và các ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất 16-17%/năm cho các gói vay trung và dài hạn...
"Việc các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất vay có tác động đến vấn đề khơi thông nguồn vốn, nhưng không nhiều lắm. Bởi vấn đề của các doanh nghiệp bây giờ không phải vì lãi suất, bởi trước đó lãi suất cũng đã giảm rồi, mà là điều kiện vay phải linh hoạt hơn cho doanh nghiệp. Thực ra không hẳn vì lãi suất trước đó quá cao nên doanh nghiệp không muốn vay, mà vì khả năng tiếp cận của họ không có”. Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |
Tuy nhiên, do ứ đọng vốn, một số ngân hàng đã phá giá lãi suất, tung ra những gói giải ngân nhiều tỷ đồng với mức lãi suất rất thấp so với lãi suất chung của thị trường. Ví dụ như Oceanbank vừa triển khai chương trình cho vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng với lãi suất 5,91%, duy trì mức lãi suất ưu đãi từ 6 tháng đến một năm; DaiABank giải ngân gói 2.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng với lãi suất 9,9%/năm trong 6 tháng đầu tiên; VietBank cho vay khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với lãi suất chỉ từ 10%/năm trong 3 tháng đầu; HDBank có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 0%/năm trong tháng đầu, cố định 11,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo, đối với khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên và 12,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo, đối với khoản vay trên 200 triệu đồng và dưới 500 triệu đồng…
Xét về cán cân cung – cầu, việc các ngân hàng đua nhau phá giá lãi suất đang đi ngược lại quy luật phát triển khi kinh doanh tiền tệ. Dù đại diện các ngân hàng trên khẳng định, họ vẫn cân đối được lợi ích dù có phá giá lãi suất cho vay, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng, việc phá giá lãi suất vừa khiến các ngân hàng không có lãi, lại gây tác động không tốt đến các ngân hàng khác.
Thận trọng với giải ngân lãi suất thấp
Mặc dù hàng loạt ngân hàng phá giá giảm lãi suất vay, nhưng thực tế với các doanh nghiệp, việc vay vốn lãi suất thấp cũng không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đến các ngân hàng thương mại xin vay vốn đều bị từ chối vì khả năng trả nợ của doanh nghiệp chưa tốt, điều kiện cho vay không thay đổi, tài sản đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ, nợ cũ chưa trả được... Chưa kể lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn còn cao và khó tiếp cận hơn nữa.
Và thoạt nghe, lãi suất giảm nhưng thực chất lại không đem đến nguồn lợi cho khách hàng. Bởi nhiều ngân hàng chỉ đưa mức lãi suất thật thấp trong một vài tháng đầu, những tháng sau tăng vọt, cao hơn mức trần lãi suất trên thị trường rất nhiều, nhằm bù đắp thiệt hại. Lúc này, khách hàng vay chỉ còn biết “há miệng mắc quai” vì không có vốn để hoàn ngay, thậm chí hoàn vốn trước thời hạn có thể bị phạt từ 0,2 - 0,5% tổng dư nợ… Ví dụ, nhiều ngân hàng chào mời khách hàng những gói vay ưu đãi, nhưng nếu tính suốt quá trình vay, khách hàng có thể phải trả mức lãi suất lên tới 25-30%/năm. Chính vì vậy, khi khách hàng nhận thức rõ “chiêu trò” của ngân hàng đó, họ sẽ mất niềm tin với những gói vay giải ngân lãi suất thấp.
Vì vậy, “với mỗi hợp đồng vay vốn, khách hàng cần tìm hiểu mình thuộc diện vay thế nào, mức lãi suất sẽ được áp dụng ra sao? Trước khi đặt bút vào ký kết hợp đồng, các khách hàng phải đọc kỹ các điều khoản, nếu chưa rõ phần nào trong hợp đồng, cần được tư vấn, tránh những thiệt hại không đáng có” - Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.