Dự trữ ngoại tệ tăng, có lung lay tỷ giá?

Giá USD trên thị trường liên ngân hàng và tự do đang biến động. Ngoài nguyên nhân tác động từ nhập siêu, còn có tâm lý “găm” ngoại tệ, kỳ vọng tỷ giá điều chỉnh của tổ chức và cá nhân. Chưa kể, câu chuyện Bộ Tài chính vay tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng góp phần tác động...

Giá USD “tỉnh giấc”

Sáng 29/7, anh Nguyễn Vinh, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán tại Hà Nội cho biết, mấy hôm nay, thấy giá USD chợ đen đột nhiên tăng vọt, liệu có phải do tỷ giá sắp điều chỉnh. Chị Hà Anh, chủ một tiệm vàng cho hay mấy ngày nay, giá biến động lên xuống thất thường. Nếu đầu tuần, giá USD mở cửa vọt lên ngưỡng bán ra 21.930-21.940 đồng/USD thì đô la Úc (AUD) lại giảm mạnh chỉ còn 15.900 đồng/AUD. “Ngày 29/7, giá USD đã giảm nhẹ 10 đồng chỉ còn 21.920 đồng/USD; còn giá AUD lại tăng lên mức 16.050 đồng”. Bà chủ tiệm vàng lý giải: Thông tin thị trường cho thấy tỷ giá đang căng nên dân tình mua găm giữ.

Dự trữ ngoại tệ tăng, có lung lay tỷ giá? - 1

Tỷ giá sẽ ổn định trước tâm lý muốn găm ngoại tệ? Ảnh: Như Ý

luận về hiện tượng giá USD niêm yết của ngân hàng đột nhiên tăng, phó tổng GĐ một ngân hàng cổ phần lớn nói: “Mấy hôm trước nghe đồn có một nhà băng ngày nào cũng đặt lệnh lớn xin mua từ NHNN. Khi cơ quan quản lý “bắt” giải trình chi tiết mua cho ai, mua để làm gì, đơn vị này đột ngột dừng đề nghị.

Một chuyên gia ngân hàng phân tích: Khả năng biến động về giá USD mấy hôm nay đến từ yếu tố tâm lý khá nhiều. Thông tin dự báo về thâm hụt thương mại năm nay (chênh lệch nhập siêu - xuất siêu) có thể tiếp tục ngốn 3-4 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, câu chuyện Bộ Tài chính đặt vấn đề muốn “mượn” Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ  đồng để tạm ứng cho chi tiêu công khiến những đồn đoán về tỷ giá có lý do dậy sóng.

Bộ Tài chính vay tiền có tác động đến tỷ giá?

Trong một  bản tin nhận định về thị trường ngoại hối 6 tháng đầu và cuối năm 2015 vừa phát ra, Trung tâm nghiên cứu BIDV tính toán: Từ nửa cuối tháng 5 đến hết tháng 6, mặc dù vẫn duy trì ở mức cao (bám sát ngưỡng tỷ giá bán ra của NHNN 21.820 đồng/USD) nhưng đà tăng đã chững lại; tỷ giá chuyển sang đi ngang trong biên độ hẹp 21.800 - 21.820 đồng/USD.

“Dự trữ ngoại hối đến cuối tháng 7/2015 đã đạt 37 tỷ USD. Đây là số dự trữ tiền tươi thóc thật, bấm nút một cái là có ngay. Còn nếu tính cả các khoản khác như vàng, tiền gửi của kho bạc, của các tổ chức tín dụng ở NHNN (không phải bằng tiền đồng)… thì khoảng 40 tỷ USD. Hiện riêng vàng chúng ta có 10 tấn” .  

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

 (Nguồn: TBKTSG ngày 29/7)

Tuy nhiên, ngoài đánh giá dự trữ ngoại hối quốc gia là một “bệ đỡ” mạnh, bộ phận nghiên cứu BIDV lại lưu ý: Mặc dù NHNN đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ vào cuối tháng 5 khẳng định việc thực hiện cam kết điều chỉnh không quá 2% với tỷ giá (cũng như sẵn sàng can thiệp để giữ ổn định thị trường) nhưng không thể phủ nhận những rủi ro tiềm ẩn. “Tỷ giá sẽ duy trì ở mức cao, diễn biến giằng co theo hướng tăng, dao động phổ biến trong khoảng 21.800-21.890 đồng/USD”- bộ phận này nhận định.

Trước những diễn biến này, ngày 29/7, trao đổi với PVTiền Phong, một lãnh đạo NHNN cho hay, vẫn đang theo sát diễn biến thị trường. “Thâm hụt thương mại tăng vì cầu trong nước tăng trở lại, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát ở mức 3-4 tỷ USD”- vị này nói. Trước diễn biến đồng USD trên thế giới tăng giá, nhiều đồng tiền khác như EURO, AUD đang mất giá; doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu kêu thiệt về tỷ giá hoán đổi; NHNN có cân nhắc hỗ trợ về tỷ giá chăng? Vị lãnh đạo trên cho biết: Phiên họp vừa sáng nay công bố rồi, Ngân hàng T.Ư Mỹ đã cân nhắc không điều chỉnh lãi suất. NHNN cũng cần nhắc lại quan điểm đang điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ vì mục tiêu tổng thể của nền kinh tế. “Tỷ giá giữ  quan điểm không biến động quá 2% như Thống đốc đã cam kết (đã tăng hết dư địa - PV)”- vị này nhấn mạnh.

Bình luận về động thái Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa chỉ đạo Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) xây dựng phương án đề xuất NHNN cho ngân sách mượn 30.000 tỷ đồng; lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng: Nếu NHNN cho Bộ Tài chính vay số tiền trên, có thể tâm lý lo ngại dự trữ ngoại hối mỏng sẽ khiến tăng kỳ vọng tỷ giá điều chỉnh. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nếu điều này xảy ra, ngân hàng sẽ tăng bán USD và nguồn cung sẽ dồi dào hơn.

Dự trữ ngoại tệ tăng, có lung lay tỷ giá? - 2

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN