Dự án tỷ đô thi nhau chết yểu
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ giải ngân chỉ bằng phân nửa vốn đăng ký. Hiện, vốn ảo lên tới 150 tỷ USD, nằm ở các dự án đăng ký hoành tráng vài tỷ USD. Sau thời gian dài các dự án này không được triển khai gây nhiều hệ lụy, buộc sở KH&ĐT các tỉnh phải thu hồi.
Phác thảo Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội. Ảnh: Minh Hoàng
Thu hồi dự án “bánh vẽ”
Có rất nhiều dự án đã bị thu hồi do chủ đầu tư không triển khai hoặc chỉ giữ đất. Mới đây, dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Nhơn Hội, Bình Định của chủ đầu tư Thái Lan chính thức bị rút giấy phép. Dự án đăng ký vốn đầu tư khoảng 28 tỷ USD, dự kiến được xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng diện tích 2.000 ha, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 30 triệu tấn/năm.
Tại phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định vào cuối tháng 7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Thường vụ Tỉnh uỷ chấm dứt tổ hợp dự án lọc hoá dầu Nhơn Hội do nhà đầu tư và đối tác chậm trễ, dự án dường như không còn khả thi.
“Trước khi cấp phép, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ về công nghệ, quá trình hoạt động ở nước ngoài của nhà đầu tư ra sao, chứ không cấp phép ồ ạt. Tránh chạy theo xử lý hậu quả”.
|
Hai tháng trước đó, địa phương này cũng đã ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) về tiến độ của siêu dự án lọc dầu này. Tối hậu thư nhấn mạnh, nếu đến cuối tháng 6, PTT không có động thái cải thiện tích cực thì tỉnh buộc phải yêu cầu dừng dự án. Tuy nhiên, đến tháng 7/2016, nhà đầu tư vẫn chưa có hồi âm gì về yêu cầu của tỉnh Bình Định.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án thép Guang Lian Dung Quất do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan). Dự án được cấp phép năm 2006 với số vốn dầu tư 556 triệu USD, sau nâng quy mô vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế đã giải tỏa, bàn giao 337 ha đất. Tháng 7/2015, Guang Lian đã gửi văn bản lên tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận không thể thu xếp được nguồn tài chính tiếp tục thực hiện dự án. Công trình do đó đã dừng hoạt động từ giữa năm 2014 đến nay. Tính đến tháng 9/2014, dự án mới được đầu tư được 42 triệu USD. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đã tạm ứng 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng…
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi dự án trên bãi biển Phượng Hoàng của Công ty TNHH Dewan International (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,25 tỷ USD. Lí do thu hồi dự án do nhà đầu tư không góp vốn điều lệ theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 20/8/2014…
Tăng hậu kiểm
Đánh giá về các siêu dự án tỷ đô nhưng chậm tiến độ, bị thu hồi giấy phép, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội DN FDI cho rằng: “Để phản ánh đúng tình hình FDI của nước ta, Bộ KH&ĐT nên chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành 2 loại: dự án có khả năng thực hiện trong năm 2016 và dự án không thể triển khai. Từ đó, tập trung đôn đốc các dự án triển khai và loại bỏ dự án không có khả năng. Nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn, cần xem xét kỹ trước khi cấp phép, tránh lãng phí nguồn đất đai, cơ hội của nhà đầu tư khác”.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận: Cần tổng rà soát lại dự án đã và đang vào Việt Nam để tìm ra số vốn ảo 150 tỷ USD đang ở đâu và tại sao chưa triển khai, đồng thời tìm cách giải quyết. Trong chiến lược thu hút đầu tư sắp tới, Việt Nam quản lý FDI bài bản hơn, bỏ tư duy cứ thấy dự án quy mô lớn là “ào ào” cho vào. “Ví dụ, dự án 9, 10 tỷ USD cần tính toán về điện, nước, nhân công có đảm bảo được không hay lại để hàng nghìn lao động nước ngoài vào. Các cơ sở hậu cần như cảng biển, hạ tầng đảm bảo quản lý được không?”, ông Thắng lưu ý.
Ông Thắng cũng cho rằng, cần tăng cường khâu hậu kiểm với các dự án đầu tư. Sau khi cấp phép, các cơ quan như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…gửi số liệu về tình hình doanh nghiệp đến cơ quan chức năng tổng hợp, đánh giá “sức khoẻ” DN. DN nào yếu, tìm cách tháo gỡ, có biện pháp xử lý kịp thời.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, để hạn chế vốn FDI ảo, đặc biệt là nhà đầu tư ôm đất phải đánh thuế lũy tiến. Nhà đầu tư 3 năm không làm gì với dự án thì phải đánh thuế tăng3-4 lần.