Dự án ký túc xá nghìn tỷ dở dang, bỏ hoang, Sở Xây dựng xin chuyển thành nhà ở xã hội?
Sau gần 10 năm khởi công xây dựng, dự án Ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai - Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thiện, nhiều tòa bị bỏ hoang gây lãng phí. Trước thực tế đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuế bằng hình thức xã hội hoá.
Dự án xây nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp tại quỹ đất 20% khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4677/QĐ-UBND ngày 11.9.2009.
Dự án gồm 6 khối nhà (A1-6) cao trung bình 17 tầng phục vụ khoảng 21.350 sinh viên. Tổng mức đầu tư 1.492,5 tỷ đồng với nguồn vốn Trung ương.
Mặc dù dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10.2009, nhưng đến nay dự án vẫn còn dở dang, nhiều toà nhà bỏ hoang.
Những toà nhà dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp xây dựng xong phần thô bỏ hoang nhiều năm. (ảnh T.Kháng).
Về vấn đề này, theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến tháng 2.2015 các hạng mục A1, A5 và A6 đã xây dựng xong đưa vào sử dụng; các nhà A2, A3 đã thi công xong phần thô, đang dừng triển khai do đã hết nguồn vốn, nhà A4 chưa triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Đến nay, dự án này đã được UBND TP giao cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư để tiếp tục triển khai dự án. Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc Ban kiểm tra khắc phục các nội dung mà các báo đã phản ánh.
Nhà A1, A5 và A6 đã đưa vào khai thác sử dụng, hiện do ban quản lý các công trình nhà ở và công sở là đơn vị quản lý vận hành, Công ty Cổ phần dịch vụ Hà Nội là đơn vị cung ứng các dịch vụ quản lý vận hành và khai thác sử dụng tầng 1.
Hiện đến đầu tháng 11.2018, tỷ lệ lấp đầy của 3 tòa nhà là 71% công suất thiết kế, số lượng sinh viên thuê ở là 7.678 người. Công tác vệ sinh, môi trường cảnh quan, khuôn viên sạch sẽ, đảm bảo đời sống sinh hoạt của sinh viên đang lưu trú tại khu nhà.
3/6 toà nhà thuộc dự án ký túc xá này đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn nhiều bất cấp. (ảnh T.Kháng).
Qua tìm hiểu của PV, các tòa nhà ký túc xá đã đưa vào sử dụng đều được bố trí thang máy, chỗ để xe tại tầng hầm, tầng một có thư viện, phòng y tế, nhà ăn tập thể, quầy giải khát... Từ tầng hai đến tầng 19, mỗi tầng đều bố trí một phòng sinh hoạt chung và từ 20 đến 30 phòng ở.
Mỗi phòng ở có diện tích gần 40 m2, trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cho thuê phòng một triệu 640 nghìn đồng cho tám người, tương đương 205 nghìn đồng/người/tháng, rẻ hơn rất nhiều so các khu nhà trọ riêng lẻ do người dân tự xây dựng trong các khu dân cư.
Thành phố hy vọng khi đưa vào sử dụng sẽ khắc phục tình trạng thiếu chỗ ở cho học sinh, sinh viên tồn tại từ nhiều năm nay trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn ba năm đưa vào hoạt động, số lượng học sinh, sinh viên vào ở rất thấp.
Nhiều sinh viên sau khi vào đây ở đành phải chuyển ra ngoài vì nhiều bất cập. Trong đó, tâm lý chung của sinh viên là muốn ở gần trường để tiện đi lại, học tập, tìm việc làm thêm, nhưng khu nhà ở cho sinh viên nằm cách khá xa các trường đại học, được bố trí biệt lập trong góc khu đô thị, thiếu sự giao lưu, gắn kết với cộng đồng dân cư… đã khiến nhiều sinh viên tới ở một thời gian lại chuyển đi.
Sở Xây dựng từng đề xuất chuyển một số toà đang bỏ hoang và chưa xây dựng tại dự án này thành nhà ở xã hội. (ảnh T.Kháng).
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang Nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.
Doanh nghiệp được giao có trách nhiệm hoàn trả phần kinh phí nhà nước đã đầu tư cho hạng mục nhà A2, A3, khoảng 340 tỷ đồng, để có nguồn trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5, A6 (khoảng 233,8 tỷ đồng). Tổng vốn đầu tư của toàn dự án nhà ở sinh viên này là gần 1.500 tỷ đồng được trích từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội do không bố trí được tiếp nguồn vốn nên dự án đang dang dở.
Trước đề xuất trên, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, hạng mục nhà A2, A3 chuyển từ nhà ở cho học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Quỹ nhà này để dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định trên địa bàn thành phố. Việc chuyển đổi theo hướng thành phố cân đối nguồn vốn từ ngân sách của địa phương để hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đối với hạng mục nhà A4 chưa khởi công, có thể xem xét, chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... theo phương thức xã hội hóa.
Bộ Xây dựng lưu ý, việc chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3, A4 phải báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép, vì dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu chính phủ.
Mới đây, trong báo cáo số liệu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị gửi Bộ Xây dựng của UBND TP Hà Nội cũng nêu giải pháp, tăng cường tổ chức phối hợp với các Hội sinh viên trên địa bàn TP để phố biến thông qua các mạng xã hội, phát các tờ rơi cung cấp thông tin về ký túc xã tập trung của TP tại Pháp Vân – Tứ Hiệp, Mỹ Đình II, đồng thời phối hợp với các Bộ (Bộ Giáo dục, Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội…) có văn bản gửi các trường Đại học, cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc các Bộ biết, dăng ký cho sinh viên thuê ở, tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng.